Nhà văn, nhà báo người Cuba, bà Marta Rojas, là nhà báo quốc tế cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người qua đời. Cuộc phỏng vấn được thực hiện tháng 7-1969 tại Phủ Chủ tịch.
Hơn 40 năm sau, bà Rojas vẫn nhớ như in lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lúc đó: Sự chịu đựng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng là nỗi khổ tâm của Người.
Trong địa đạo Tây Ninh
Gặp Marta Rojas, không ai nghĩ là bà đã 82 tuổi. Câu chuyện của bà sôi nổi, ký ức của bà rõ nét và nhìn bà thì quá trẻ, có thể đoán bà chỉ độ sáu mươi. Trên gương mặt bà nụ cười rạng rỡ. Bà là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, nhà báo kỳ cựu của tờ báo “Granma” Cuba.
Bà Marta Rojas kể chuyện về lần phỏng vấn Hồ Chủ tịch.
Cùng với các nhà báo Madeleine Riffaud của Pháp, Blaga Dimitrova của Bulgaria, Marta Rojas là một trong ba nhà báo nữ quốc tế đã có mặt trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trong chiến tranh, đã sống và có nhiều kỷ niệm với du kích giải phóng.
Bà dành tình cảm trọn vẹn suốt đời cho người dân Việt Nam, đã góp phần đưa hình ảnh Bác Hồ và cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam đến với Cuba và người dân các nước Mỹ Latinh.
“Tôi sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1965, lúc đó tôi được gặp đồng chí Phạm Văn Đồng. Tôi đề xuất được phỏng vấn Bác Hồ, nhưng đó là thời điểm rất cam go, nguy cơ Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam rõ rệt. Vì vậy Hồ Chủ tịch không có thời gian tiếp tôi, nhưng Người chuyển lời qua đồng chí Phạm Văn Đồng rằng, nếu lần sau tôi trở lại Việt Nam thì nhất định Người sẽ gặp tôi trả lời phỏng vấn. Sau đó tôi vượt đường rừng sang Campuchia, rồi vào Tây Ninh, căn cứ của Trung ương Cục miền Nam. Tôi ở Tây Ninh 3 tháng, dưới bom đạn và sự lùng sục của kẻ thù”.
Cùng với một phóng viên Cuba khác của Báo “Ngày Nay”, sau này trở thành Đại sứ Cuba tại Việt Nam, Rojas đã gắn bó với cuộc sống chiến đấu của du kích, của người dân Việt Nam lúc đó. Bà cũng trải qua bom đạn, trải qua mưa rừng, trải qua những tháng ngày dưới lòng địa đạo, đó là chất liệu vô cùng sống động cho nữ nhà báo trẻ và đầy nhiệt huyết:
“Lúc đó chúng tôi chỉ có thể viết bài bằng giấy bút rồi gửi ra Hà Nội, sau đó các đồng nghiệp ở Hà Nội sẽ giúp chúng tôi gửi bài về Cuba. Nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng có thể sử dụng hệ thống radio từ địa đạo ở Tây Ninh và các tỉnh khác truyền bài về Hà Nội. Trong thời gian 3 tháng ở Tây Ninh, tôi và đồng nghiệp của tờ “Ngày Nay” đã có hàng trăm bài viết về Hồ Chí Minh, về tướng Võ Nguyên Giáp, về bà Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Định và về cuộc kháng chiến của người dân Việt Nam”.
Báo Granma không chỉ xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha, mà còn cả bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ra các nước khác. Vì vậy những bài báo của Marta Rojas đã góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam và tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Các bài báo đó trên tờ Granma còn được sử dụng như tài liệu tham khảo tại phiên tòa quốc tế xét xử tội ác chiến tranh tổ chức tại Đan Mạch.
Sau năm 1965, Marta Rojas quay lại Việt Nam nhiều lần trong những chuyến công tác 15 - 20 ngày. Năm 1969 bà có mặt ở Hà Nội. Những lần đến Hà Nội này, bà vẫn tha thiết được phỏng vấn Hồ Chủ tịch. Thật ra thì trong cuộc trò chuyện, bà luôn gọi Người một cách trân trọng và thân thiết: “Đồng chí Hồ Chí Minh”.
“1969 là một năm khủng khiếp, Mỹ sử dụng chất độc da cam và bom napalm ở Việt Nam, miền Bắc bị ném bom. Cho dù khó khăn như thế nhưng người Việt Nam vẫn ngày càng mạnh mẽ, quân Mỹ ngày càng suy yếu. Một tối, tôi đang ở khách sạn Thống Nhất tại Hà Nội, thì đồng chí Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, gọi điện cho tôi và nói: “Mai 6 giờ sáng tôi qua đón chị vào phỏng vấn Hồ Chủ tịch”.
Lá cờ tung bay
Điều Marta Rojas trông đợi nhiều năm đã thành hiện thực. Hình ảnh trực tiếp đầu tiên của Bác Hồ đã khiến Marta ấn tượng biết bao nhiêu: “Cuộc phỏng vấn diễn ra khoảng ngày 11 hoặc 12-7-1969. Vào Phủ Chủ tịch chỉ có 3 người - tôi, đồng chí Hoàng Tùng và đồng chí phiên dịch. Chúng tôi đang đi thì gặp một cụ già mặc bộ quần áo trắng, tươi cười đi ngược lại. Cụ già nói bằng tiếng Tây Ban Nha rất chuẩn: “Chào buổi sáng”. Tôi đã được nghe kể rằng đồng chí Hồ Chí Minh rất giản dị nhưng tôi không nghĩ Người giản dị và thân thuộc đến thế”.
Marta Rojas vẫn nhớ, cuộc phỏng vấn diễn ra ở dãy nhà sau tòa nhà chính trong Phủ Chủ tịch. Bà không có thói quen dùng máy ghi âm khi phỏng vấn, lần này cũng vậy, mà cố gắng để cuộc nói chuyện thoải mái, tự nhiên nhất, các câu hỏi mở nhất.
“Nhiều câu hỏi tôi nghĩ vẫn mang tính thời sự đến bây giờ. Tôi đã hỏi đồng chí Hồ Chí Minh về tình hình thực tế ở Việt Nam từ góc độ chính trị, quân sự, lý do gì mà quân đội Việt Nam có thể kiên cường chống lại chiến tranh xâm lược của Mỹ, lúc đó Mỹ đang có nửa triệu quân ở Việt Nam. Đồng chí Hồ Chí Minh trả lời đã nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân miền Nam và miền Bắc trong cuộc kháng chiến”.
“Một điều khiến cho cuộc phỏng vấn hấp dẫn là đồng chí Hồ Chí Minh đã phỏng vấn ngược lại tôi,” Marta Rojas kể lại một cách đầy thú vị. Lúc đó bà đã biết rằng, Hồ Chí Minh từng là nhà báo.
“Người hỏi tôi cảm nhận ở Việt Nam từ năm 1965, về thời gian tôi ở Tây Ninh, rất chi tiết về những gì tôi trải qua, hỏi về Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Đồng chí nói đã đọc nhiều bài phát biểu của Fidel và rất thích những bài đó. Đồng chí Hồ Chí Minh cũng hỏi tôi, trong thời gian tôi ở vùng giải phóng, tôi nhìn nhận thế nào về những lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tung bay ở miền Nam Việt Nam. Tôi nói rằng, Việt Nam mưa thì nhiều, nắng thì chói chang, nhưng lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc nào cũng như mới.
Tôi vẫn nhớ, đồng chí Hồ Chí Minh trả lời: Rõ ràng rồi, vì mục tiêu đấu tranh của hàng vạn người Việt Nam là bảo vệ lá cờ đó, để lá cờ ở vị trí cần có mặt, đó là biểu tượng của một nước Việt Nam thống nhất; chắc chắn chúng tôi sẽ thống nhất đất nước và giành thắng lợi trước người Mỹ. Lúc đó đồng chí Hồ Chí Minh có niềm tin vững chắc vào thắng lợi của Việt Nam. Người nói rằng, sự chịu đựng của người dân Việt Nam cũng là nỗi khổ của Người”.
Chiếc gạt tàn đồng
Hôm đó, Marta Rojas không mang theo máy ảnh. Bà nhớ có một phóng viên ảnh của Báo Quân đội Nhân dân đã chụp hình cuộc phỏng vấn. Giờ đây, bà rất mong có lại được tấm ảnh chụp chung với Hồ Chủ tịch. Nhưng ít nhất, bà cũng đã có được món quà lưu niệm từ Người: “Đồng chí Hồ Chí Minh có tặng cho tôi một bức ảnh mà đến giờ tôi vẫn giữ, ảnh chân dung của đồng chí, mặt sau có ghi, thân tặng Marta”.
Chính nữ nhà báo Cuba cũng tặng quà Hồ Chủ tịch. Trước khi gặp Người, qua ảnh, bà biết rằng Người hút thuốc. Vì vậy khi sang Việt Nam, bà mang theo một chiếc gạt tàn bằng đồng để nếu có được gặp mặt phỏng vấn Người thì đó sẽ là món quà từ đất nước Cuba. “Và tôi đưa ra chiếc gạt tàn. Đồng chí Hồ Chí Minh nói, bây giờ tôi không hút thuốc nữa rồi, nhưng cái gạt tàn vẫn rất hữu dụng cho tôi. Lúc đó trên bàn làm việc của đồng chí rất nhiều giấy tờ và Người đã dùng chiếc gạt tàn để đựng ghim giấy”.
Có một chi tiết thú vị, lúc đó, Hồ Chủ tịch tiết lộ với Marta Rojas rằng Người rất thích đọc sách, xem phim, nhất là phim của Charlie Chaplin. Rất lâu sau đó, Rojas có dịp phỏng vấn con gái vua hề và bà được biết rằng Hồ Chí Minh và Charlie Chaplin là những người bạn thân thiết.
Marta Rojas không bao giờ hết khâm phục về sự hiểu biết, về sự quảng đại, bao dung của Hồ Chủ tịch trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội năm ấy. “Đồng chí Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo một quốc gia, nhưng tôi có cảm nhận về đồng chí như một người bạn. Tôi cảm nhận được sự thông minh, hiểu biết rộng, sự dí dỏm, lòng tự trọng của đồng chí. Mọi cử chỉ của đồng chí rất tự nhiên. Và như tôi đã nói, ngay trong thời điểm khó khăn nhất của Việt Nam, đồng chí Hồ Chí Minh có niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam sẽ giành chiến thắng, niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp mà đồng chí đã hết lòng xây dựng từ khi còn trẻ. Câu nói rất đơn giản: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã tóm gọn tinh thần của Người.
Bài báo của Marta Rojas được đăng trên tờ Granma, nhiều độc giả Cuba đã viết thư về cho báo đề nghị cung cấp thêm thông tin về Hồ Chí Minh. Bài phỏng vấn ấy không chỉ đến với bạn đọc Cuba, mà còn cả ở một số nước Mỹ Latinh khác. Đảng Cộng sản Ý, Thụy Điển cũng đăng lại bài trên báo của họ, một số bang của Mỹ cũng đăng bài này.
Marta Rojas phỏng vấn Hồ Chủ tịch chỉ chưa đầy hai tháng trước khi Người mất. Sau bà, không một nhà báo quốc tế nào còn có cơ hội đó. Marta Rojas vẫn nhớ, lúc đó, qua dáng đi của Hồ Chủ tịch, bà đã thấy Người yếu đi nhiều vì tuổi tác. Nhưng bà không quên được sự trẻ trung về mặt tinh thần của Người, một tinh thần “tràn đầy sức sống”, như bà nhận xét. Qua cuộc gặp Hồ Chủ tịch, bà càng thấu hiểu sức mạnh của dân tộc Việt Nam, hiểu sự yêu mến của người dân Việt Nam dành cho nhà lãnh đạo tài ba và nhân hậu: “Người có mặt ở mọi nơi, có mặt trong trái tim của người dân Việt Nam và cả trong trái tim tôi”.
THEO LAO ĐỘNG