Gia đình: Điểm tựa vững chắc để vượt qua 'cơn bão' mang tên COVID-19

Cập nhật: 28-06-2021 | 10:58:29

Gia đình hạnh phúc. (Ảnh minh họa: Nguyễn Á/Vietnam+)

Khi chị Lê Thị Nhung, y sỹ Trung tâm y tế huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), nhận nhiệm vụ chăm sóc các ca F0 tại địa bàn, phải cách ly hoàn toàn với gia đình, chị quyết định cắt đi mái tóc dài đến thắt lưng của mình để thuận tiện cho công việc.

Nhìn bức ảnh mái tóc dài đẹp nuôi dưỡng bao năm nay bị cắt bỏ, chồng chị nhắn tin: “Em cứ giữ lấy, bao giờ được về nhà thì trả lại cho anh.” Câu nói giản dị mà chất chứa bao tình yêu của người chồng khiến chị rưng rưng xúc động và hạnh phúc.

Cả tháng trời xa gia đình để toàn tâm toàn ý làm nhiệm vụ, những dòng tin nhắn yêu thương ấy từ chồng con, từ người thân trong gia đình là động lực vô giá để chị Nhung vững tâm chống dịch.

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, rất nhiều người không thể ở cạnh người thân, bởi cả nước vẫn còn nhiều ca bệnh COVID-19 đang phải điều trị và hàng chục nghìn trường hợp phải cách ly tập trung. Dẫu vậy, tình yêu thương và sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình chính là lá chắn vô hình nhưng đầy sức mạnh để mọi người vững tâm vượt qua mọi khó khăn.

Yên tâm làm nhiệm vụ vì luôn có gia đình ở bên

Chị Nhung là y sỹ Trung tâm y tế huyện Thuận Thành, chồng chị là Trạm trưởng Trạm y tế xã Trí Quả (huyện Thuận Thành). Khi dịch bệnh bùng phát tại tỉnh Bắc Ninh, cả hai vợ chồng chị đều bận rộn, vất vả như nhau, họ căng mình hòa cùng nhịp độ khẩn trương “chống dịch như chống giặc.”

Chị Lê Thị Nhung, y sỹ Trung tâm y tế huyện Thuận Thành. (Ảnh: NVCC)

Ban đầu, chị Nhung tham gia vào công tác truy vết, sau đó chị nhận quyết định chăm sóc các ca bệnh F0 tại Bệnh viện dã chiến số 3.

Vợ chồng chị có hai con trai, con lớn đang học Cao đẳng Y Hà Nội, con thứ hai đang chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp đầy cam go. Bố mẹ thường xuyên vắng nhà, thâm tâm chị cũng lo lắng vì không thể tự tay lo từng bữa ăn giấc ngủ cho con tập trung ôn thi, bên cạnh đó là nỗi lo bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào.

“Bước vào cuộc chiến này, tôi cũng như rất nhiều người, luôn lo mình sẽ nhiễm bệnh. Bước đi trong tâm bão, chẳng biết mình sẽ bị cuốn đi lúc nào. Dẫu vậy, địa phương đang trong thời điểm cam go, mọi người đều tận tâm hết sức, chỉ với hy vọng duy nhất là những ngày này rồi cũng sẽ sớm kết thúc,” chị tâm sự.

May mắn là hai con trai chị đều ngoan ngoãn, tự giác, biết bảo ban nhau để bố mẹ yên tâm công tác. Những khi nóng ruột, chị lại gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm của con để hỏi thăm tình hình học tập của con. Biết được hoàn cảnh gia đình, thầy giáo cũng chia sẻ và động viên chị vững tâm chống dịch, điều đó khiến chị yên tâm phần nào.

Giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày Hè, chị Nhung cũng như nhiều y bác sỹ khác vẫn phải nhốt mình trong những bộ đồ bảo hộ dày cộp, mồ hôi túa ra ròng ròng khiến toàn thân lúc nào cũng đỏ ửng lên như đang sốt. Đã vậy, có những bệnh nhân lại thiếu hợp tác, hàng ngày phải nhắc nhở nhiều lần thì mới đi tiêm.

Một lần, khi đang làm nhiệm vụ, chị Nhung hoa mắt và ngất xỉu. Tỉnh dậy đã thấy mình đang được đồng nghiệp chăm sóc. Chị không dám kể với gia đình. Chỉ khi báo chí đưa tin có nữ nhân viên y tế ngất xỉu, chồng con mới biết chuyện.

Khi vào bệnh viện dã chiến, chị quyết định cắt đi mái tóc dài của mình để đỡ nóng bức và tiết kiệm thời gian tắm gội. Chị gửi ảnh khoe chồng con rằng “mẹ có tóc mới này.” Con trai lớn của chị thì cứ tiếc mãi: “Mẹ cắt đi thế thì bao giờ mới dài ra như cũ được!”

Đều đặn cứ đến trước giờ đi ngủ là chồng con chị lại gọi Facetime để trò chuyện cùng nhau. Chị Nhung tâm sự rằng chị rất may mắn vì có hậu phương vững chắc để chị yên tâm lên đường chống dịch. Bản thân chồng chị cũng làm trong ngành y nên vợ chồng có sự hỗ trợ và thông cảm cho nhau.

“Khi tiêm vaccine xong, bị sốt cao, chồng tôi tự tay pha nước cam, chăm sóc vợ. Đó là lúc tôi thấy mình yếu đuối, được ‘làm nũng’ chồng như mọi người phụ nữ bình thường khác,” chị chia sẻ.

Dù không ở bên nhưng chị Nhung luôn cảm nhận được tình yêu thương vô hạn của những người thân trong gia đình, bản thân chị cũng từng giây từng phút hướng về họ, lo cho sức khỏe của bố mẹ già, lo những bữa ăn của chồng con có đủ đầy không, lo cho con trai đang ôn thi mà mẹ không ở cạnh chăm sóc…

Chính vì vậy mà chị Nhung có sự đồng cảm sâu sắc với những em nhỏ phải xa gia đình, đi cách ly một mình.

Một lần đi truy vết, chị gặp một cậu bé gày gò, gương mặt thất thần khi cả gia đình là F0 phải nhập viện điều trị, bản thân phải đi cách ly một mình. Chị lại gần hỏi: “Cháu mang theo gì rồi? Có tiền chưa?” Cậu bé đáp: “Cháu có 5 gói mỳ, tiền thì cháu có 100.000 đây.”

Chị nghĩ đến con mình mà ứa nước mắt. Chị vào trạm, lấy ra mấy bịch sữa, một lọ ruốc và dúi vào tay cậu bé 500.000 đồng.

“Điều kiện sinh hoạt trong khu cách ly rất đầy đủ, chỉ thiếu thốn một chút trong ngày đầu, khi chưa ổn định chỗ ở, nhất là các bạn nhỏ thường lo sợ, khó thích nghi. Tôi và các đồng nghiệp vẫn thường gặp và giúp các trường hợp này như vậy. Chúng tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ thấy hình ảnh con mình ở đó mà không cầm lòng được,” chị tâm sự. 

Trong gian khó, thấy ý nghĩa của gia đình

Đối với nhà báo Nguyễn Thúy Hằng, mắc COVID-19 là một trải nghiệm không hề dễ dàng, nhất là ở thời điểm dịch mới bùng phát tại Việt Nam, người dân có sự xoi mói và thiếu cảm thông với những người không may mắc bệnh.

Vượt qua bệnh tật, chị bỗng nhận ra rằng chuyện gì rồi cũng qua, song trên hết đó là tình cảm gia đình, sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau chính là sức mạnh và điểm tựa, giúp chị đi qua mọi khó khăn.

Nhà báo Nguyễn Thúy Hằng tại triển lãm ảnh về cuộc chiến chống COVID-19 tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngay từ khi biết rằng mình đã tiếp xúc với ca F0, chị Hằng hầu như không hề nghĩ gì đến mình. Toàn bộ tâm trí của chị lúc đó là lo lắng, ái ngại rằng mình đã gây ảnh hưởng đến những người khác, trong đó có mẹ của chị. Bà đã lớn tuổi và có một số bệnh của người già như huyết áp, tiểu đường.

Khi có kết quả dương tính, các thành viên còn lại trong gia đình chị Hằng phải đi cách ly tập trung ngay lập tức. Thời gian gấp gáp, mọi người chỉ kịp vơ vội ít đồ cá nhân để mang theo. Rất may là trong tình huống gấp gáp đó, mẹ của chị Hằng đã kịp thu xếp gửi chú mèo cưng của gia đình đi ở trọ. Chú mèo hoang mang, sợ hãi mất vài ngày mới có thể thích nghi với môi trường sống mới.

“Giờ đây công nghệ đã giúp kéo gần lại mọi khoảng cách địa lý. Các thành viên trong gia đình tôi hàng ngày đều gọi điện thoại để cập nhật tình hình của nhau. Nhiều lúc còn gọi video call để cho nhau xem nơi mình đang cách ly như thế nào, bữa ăn có những món gì. Điều chúng tôi hay nói với nhau nhất là ‘phải giữ sức khỏe’,” chị Hằng chia sẻ.

Ngày chính thức được xuất viện, trên đường về nhà, mọi cảnh vật bỗng trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

“Về nhà, mẹ con tôi cùng ăn một bữa cơm giản dị nhưng thật quý giá vì đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có được. Trước đây thì cả tuần chúng tôi mới ngồi ăn cùng nhau một bữa vì mỗi người đều có công việc riêng và những lúc hẹn hò với bạn bè. Lúc đó, tôi càng thấm thía giá trị của gia đình,” chị ngậm ngùi nhớ lại.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam (trái) trong một chương trình truyền hình. (Ảnh: NVCC)

Trong mùa dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ học và thực hiện học trực tuyến tại nhà. Nhiều cơ quan cũng tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc trực tuyến. Nhiều người có cảm giác bận hơn nhiều so với làm việc tại cơ quan bởi còn phải thêm việc chăm sóc nhà cửa, con cái. Tuy nhiên, đây dường như chính là khoảng thời gian “vàng” giúp cho các thành viên trong gia đình gắn bó, gần gũi với nhau hơn.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây cũng là cơ hội để kéo gần khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con cái cũng như cân bằng giữa việc học tập và sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của con. 

Chia sẻ với báo chí, ông cho biết: “Dịch bệnh có thể còn kéo dài, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ giúp con xây dựng tính tự giác học tập và làm việc. Cha mẹ cũng nên hào phóng lời khen trong giai đoạn này và sẵn sàng với những phần thưởng bất ngờ để trẻ thấy những cố gắng làm việc của mình luôn mang lại những điều thú vị.”/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=558
Quay lên trên