Sau 5 năm đàm phán với vô số bất đồng và trở ngại, cuối cùng, hôm 5/10 vừa qua, 12 nước, trong đó có những cường quốc về ô tô như Mỹ, Nhật và Mexico, đã hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều thoả thuận miễn và cắt giảm tối đa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô giữa các nước trong khối.
Theo đó, 4 nước sản xuất ô tô lớn nhất trong khối là Nhật Bản, Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được thỏa thuận về ô tô, trong đó ô tô được miễn thuế nhập khẩu sẽ phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất nội khối TPP; còn các linh kiện nhỏ vẫn có thể được lấy từ bên ngoài.
Cũng theo thoả thuận TPP, Việt Nam sẵn sàng cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với ô tô Nhật Bản có động cơ dung tích từ 3.0L trở lên về 0% trong vòng 10 năm. Hiện thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam đang ở mức 70%.
Điểm đáng lưu ý trong thoả thuận này chính là điều kiện áp dụng với xe sử dụng động cơ dung tích từ 3.0L. Thực tế tại Việt Nam, các dòng xe như vậy không phổ biến, đặc biệt là xe Nhật.
Thêm vào đó, trong tương lai, các loại xe động cơ lớn cũng không còn nhiều trên thế giới nói chung. Xu hướng của ngành công nghiệp ô tô là ứng dụng công nghệ mới để động cơ nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu vẫn đảm bảo hiệu suất cao.
Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay, xe ô tô sử dụng động cơ trên 3.0L đang bị áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt và nhiều loại thuế phí khác cao hơn nhiều so với các xe sử dụng động cơ dung tích nhỏ hơn, đặc biệt là xe dưới 2.0L Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung mới của Bộ Tài chính và đề xuất của Bộ Công thương, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp với xe có dung tích động cơ trên 3.0L còn có nguy cơ tăng từ mức 60% hiện nay lên 90-150% tuỳ loại từ năm 2016.
Như vậy, có thể thấy sự tác động của TPP đến giá xe Nhật tại Việt Nam là không lớn và còn xa; trong khi ngay năm 2018 tới đây, thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN sẽ về 0% theo cam kết ký hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhật Bản không thuộc ASEAN, nhưng hầu hết các hãng xe Nhật hiện đều đã có một vài nhà máy đặt trong trong khu vực này tập trung tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Do đó, đến năm 2018, chỉ cần đáp ứng điều kiện tỷ lệ sản xuất nội khối từ 40% là xe Nhật lắp ráp tại ASEAN có thể vào Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, tương lai giá xe tại Việt Nam vẫn sẽ không thể rẻ nếu các loại thuế khác tăng lên; đơn cử như thuế tiêu thụ đặc biệt theo dự thảo sửa đổi, bổ sung của Bộ Tài chính.
Theo Dân trí