Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nên nông sản của nông dân nhiều nơi cả nước không xuất được hàng, rơi vào tình trạng ùn ứ, bán cho thương lái với giá cực thấp hoặc đổ bỏ. Trước tình hình này, tuổi trẻ trong tỉnh đã chung tay “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân.
Đoàn viên Chi đoàn Sở Công thương “giải cứu” hơn 3 tấn thanh long cho nông dân Long An
Những ngày qua, Vũ Điệp Hoàng Thương (sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một) không khỏi xót xa khi nhận được tin báo từ quê nhà Bình Thuận vườn xoài Đài Loan của ba mẹ không xuất đi được do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Gia đình Thương cũng như nhiều gia đình ở Bình Thuận phải bán xoài với giá rẻ như cho, những trái xoài đã quá chín thì chỉ có thể vứt đi. Trước tình hình đó, Thương làm liều nhận “giải cứu” xoài từ gia đình và các hộ gia đình nông dân lân cận. Sau khi được sự chấp thuận của nhà trường, Thương cùng 8 bạn sinh viên khác “giải cứu” hơn 1 tấn xoài hoàn toàn không lợi nhuận bằng cách nhận các đơn đặt hàng qua mạng, rồi giao tận nơi cho người mua.
Sau khi dự hội nghị Sở Công thương các tỉnh và TP.Hồ Chí Minh tìm giải pháp tiêu thụ thanh long tỉnh Long An do Bộ Công thương, Sở Công thương Long An phối hợp tổ chức, Chi đoàn Sở Công thương Bình Dương quyết định nhận hơn 3 tấn thanh long để bán giúp nông dân Long An. Với những dòng trạng thái kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ thanh long để giúp nông dân Long An được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, Zalo, trong vòng hơn 24 giờ triển khai, hơn 3,2 tấn thanh long đã được Chi đoàn Sở Công thương “giải cứu” thành công nhanh chóng, với giá bán 90.000 đồng/thùng (khoảng 8kg đến 10kg).
Anh Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư Chi đoàn Sở Công thương, nói: “Đối với đoàn viên khối cơ quan - doanh nghiệp mặc dù công tác chuyên môn khá nhiều nhưng không thể thờ ơ với nỗi khổ của nông dân thời điểm này nên chúng tôi quyết định góp một phần công sức nhỏ của mình giúp nông dân vượt qua khó khăn”. Cùng với Chi đoàn Sở Công thương, các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh cũng đã tích cực “giải cứu” nông sản cho nông dân, điển hình như Đoàn cơ sở Agribank chi nhánh Bình Dương đã vận động cán bộ, nhân viên ngân hàng giải cứu 250kg thanh long ruột đỏ cho nông dân Long An, 100kg thanh long ruột trắng cho nông dân Đồng tháp và 250kg dưa hấu cho nông dân Gia Lai; tuổi trẻ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Phường đoàn Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) “giải cứu” 1 tấn thanh long; Đoàn cơ sở Công ty 3-2 “giải cứu” 500kg dưa hấu; Chi đoàn VSIP và Đoàn cơ sở Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) “giải cứu” 1 tấn thanh long…
Chị Nguyễn Anh Thư, đoàn viên Chi đoàn Sở Công thương, chia sẻ: “Mệt nhưng vui là những cảm xúc của tôi cũng như đoàn viên chi đoàn khi thực hiện việc làm ý nghĩa giúp nông dân. Có thể nói, tuy số lượng chúng tôi nhận giải cứu chưa nhiều nhưng qua đây mong rằng sẽ tạo được sự lan tỏa đến cộng đồng. Khi mọi người cùng chung tay góp sức thì chắc chắn sẽ giải quyết được hết số nông sản còn ùn ứ của nông dân”.
Thật vậy, cùng với sự chung tay góp sức từ nhiều phía, đặc biệt là các bạn trẻ, đã giúp cho bức tranh ảm đạm về vụ mùa năm nay của nông dân trong nước khởi sắc hơn. Và hiện nay, có thể thấy những hình ảnh, những câu chuyện đẹp của các bạn trẻ ở Bình Dương đã lan tỏa ra cộng đồng khi có không ít những bạn trẻ là người dân sinh sống và làm việc tại Bình Dương đã mạnh dạn ra tay “giải cứu” nông sản cho nông dân. Điển hình như bạn Bùi Thị Tố Uyên Phương (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) khi nghe câu chuyện về các hộ nông dân trồng dưa hấu ở Gia Lai phải bỏ đi chính những thành phẩm mình trồng vì giá thu mua rẻ mạt, Phương mạnh dạn nhận dưa về bán không lợi nhuận, với giá chỉ 5.000 đồng/kg. Trong thời gian ngắn, Phương đã “giải cứu” thành công hơn 4 tấn dưa hấu .
Với số tiền thu về từ những vụ “giải cứu” có thể xem như là huề vốn, nhưng đối với nông dân đây thực sự là một niềm an ủi, bởi trước đó số nông sản không xuất đi được chỉ có thể vừa bán, vừa cho với giá cực thấp. Bằng những hành động đẹp của tuổi trẻ Bình Dương đã phần nào giúp nông dân vượt khó trước mắt, ổn định về tinh thần và mong rằng những vụ mùa tiếp theo nông dân sẽ không lâm vào những hoàn cảnh cần phải “giải cứu” sản phẩm mình làm ra như thế này.
NGỌC NHƯ