Giải pháp cho du lịch Bình Dương phát triển bền vững

Cập nhật: 16-05-2019 | 07:26:17

Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương có điều kiện tốt để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn phân tán, chưa tạo được sự kết nối giữa các điểm du lịch. Để đưa ngành du lịch trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp cao vào kinh tế của tỉnh, cần phải có hướng phát triển phù hợp.

 Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist khảo sát đình Phú Long (TX.Thuận An) - một điểm du lịch tiềm năng ven sông Sài Gòn. Ảnh: KHÁNH ĐĂNG

 Nâng cao tính cạnh tranh

Trong bối cảnh nước ta đang tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và là một tỉnh phát triển năng động, ngành du lịch của Bình Dương đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Trao đổi tại các hội thảo nhằm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch tỉnh nhà, các chuyên gia đều cho rằng một trong những cách tiếp cận để nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch là phải tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, cho biết thực tế hiện nay, ngành du lịch của Bình Dương chủ yếu là các sản phẩm du lịch thiên nhiên, các điểm đến văn hóa, lịch sử. Một số địa phương hoặc điểm đến du lịch trong tỉnh còn lúng túng trong thiết kế sản phẩm du lịch để thu hút du khách; sau một thời gian hoạt động rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ” với một vài sản phẩm cố định, nhàm chán. Do đó, Bình Dương cần phải xây dựng được sản phẩm đặc trưng riêng của từng địa phương để du khách có nhiều lựa chọn; cùng một loại hình du lịch nhưng mỗi địa phương trong tỉnh cần có sản phẩm riêng. Có như vậy mới tăng tính cạnh tranh và thu hút du khách đến Bình Dương.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Tường, trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn cho rằng ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh, Bình Dương còn cần nâng cao chất lượng dịch vụ các khu, tuyến, điểm du lịch đã khai thác. Bên cạnh đó, tỉnh cần khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, Bình Dương cần nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch mới; đồng thời tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tỉnh cũng nên phối kết hợp các hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng với các địa phương khác để du lịch thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, có tính cạnh tranh cao hơn.

Đồng bộ hạ tầng

Kết quả từ cuộc khảo sát các điểm du lịch tại Bình Dương của các chuyên gia vào cuối năm 2018 và một số đơn vị kinh doanh lữ hành đầu năm 2019 cho thấy, về cơ bản hạ tầng du lịch của tỉnh đã có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách và khó xây dựng các tuyến du lịch kết nối. Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, trong chuyến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phục vụ cho tour du lịch đường sông (dự kiến triển khai vào quý III- 2019), cho rằng tại một số điểm ven sông Sài Gòn còn thiếu bến thuyền, như tại đình Phú Long, làng nghề làm heo đất Lái Thiêu (TX.Thuận An)… Mặc dù các điểm du lịch này rất có tiềm năng nhưng hiện chưa thể đưa du khách đến tham quan vì thiếu bến thuyền để neo tàu và phương tiện di chuyển ngắn.

Ông Phương cho biết chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc nhiều vào việc cơ sở hạ tầng có được đầu tư tốt hay không và thái độ phục vụ cũng như trình độ của nhân viên. Vì vậy, Bình Dương cần chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó tập trung đào tạo kỹ năng nghề và thực hành cho nhân viên ngành du lịch.

Các chuyên gia cũng đề xuất tỉnh Bình Dương cần xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch đồng bộ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng đã có theo hướng hiện đại; quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ đáp ứng nhu cầu phục vụ của du khách. Tỉnh cũng cần tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị kinh doanh du lịch để tăng tính thích nghi nhanh cho đội ngũ nhân lực du lịch, tạo điều kiện cọ xát thực tế cho học sinh, sinh viên.

“Bình Dương cần có những giải pháp hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, kết hợp ưu tiên sử dụng cán bộ có kiến thức, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về chuyên ngành du lịch. Tỉnh cũng nên có chính sách đãi ngộ đội ngũ trí thức, chuyên gia công nghệ để phát triển du lịch, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay”, thạc sĩ Dương Thanh Tú, trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh), đề xuất.

 “Du lịch bảo vệ môi trường” đang là xu thế phát triển du lịch bền vững được nhiều quốc gia triển khai và đã thu hút được nhiều du khách tham gia. Các chuyên gia cho rằng, trong khai thác du lịch, phát triển du lịch, các cơ quan quản lý cần luôn nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm du lịch. Cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.

 KHÁNH ĐĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1234
Quay lên trên