Giải pháp giáo dục thông minh: Động lực để Bình Dương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Cập nhật: 11-09-2019 | 08:39:30

Kiến tạo thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương chọn ứng dụng mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, việc thực hiện giải pháp giáo dục thông minh sẽ là động lực để Bình Dương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

 Học sinh trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm tham gia chương trình giáo dục thông minh SmartEdu. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao

Thời gian qua, Tổng Công ty Becamex IDC đã xây dựng và phát triển trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) nhằm thúc đẩy giáo dục - đào tạo tại địa phương đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Với mục tiêu gắn kết khoa học và doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, EIU đã thiết kế nhiều khu vực hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ và khởi nghiệp như vườn ươm doanh nghiệp và các phòng nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm như phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab)… hướng tới các trải nghiệm công nghệ thực tế, mới và hiện đại...

Fablab của EIU là đơn vị đầu tiên của Bình Dương được công nhận bởi hệ thống pháp luật thế giới. EIU cũng mở rộng các dịch vụ đào tạo nghiệp vụ, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết phải nâng cao trình độ người lao động của tỉnh.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực, nền tảng công nghệ cao phục vụ trực tiếp cho Đề án TPTM Bình Dương, Becamex IDC và EIU đang triển khai dự án đào tạo công nghệ sản xuất 4.0 tại EIU với nội dung gồm 2 chương trình của phòng thí nghiệm công nghệ sản xuất 4.0 và hệ thống đào tạo về STEM (Khoa học - công nghệ - kỹ thuật và toán học), tổng vốn đầu tư trên 29 tỷ đồng. Dự án sẽ giúp nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động, phát triển sự năng động sáng tạo cho người lao động, chuyên gia, doanh nghiệp, tạo một sức hút mới trong thu hút đầu tư, nhân lực, khoa học - công nghệ, mở ra những tiềm năng kết nối quốc tế mới, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển mới của Bình Dương.

Cùng với đó, Becamex IDC, thông qua EIU, đã hợp tác với nhiều viện, trường đại học trên thế giới như Đại học Paris (Pháp), Đại học Missouri (Hoa Kỳ)... hướng tới kết nối quốc tế ngày càng sâu rộng để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, trí thức, liên kết nghiên cứu khoa học. Từ đó từng bước tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư công nghệ cao.

Trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu sáng tạo phục vụ nhu cầu phát triển của Đề án TPTM Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC và EIU đang triển khai dự án phòng thí nghiệm công nghệ sản xuất 4.0 để đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học theo hướng công nghệ sản xuất 4.0 nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của công nghiệp khoa học - công nghệ và các khu công nghiệp khác của Bình Dương. Phòng thí nghiệm công nghệ sản xuất 4.0 còn góp phần trực tiếp nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy tại EIU; tăng cường đào tạo kỹ năng, kiến thức cơ bản, phát triển tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi của sinh viên trước những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời thúc đẩy các hoạt động về khoa học - công nghệ, kỹ thuật và toán học trong cộng đồng học sinh, sinh viên tại Bình Dương.

Ứng dụng giải pháp SmartEdu của Nhật Bản

Tổng Công ty Becamex IDC và EIU đang triển khai đầu tư hệ thống đào tạo STEM đạt tiêu chuẩn của Hoa Kỳ tại EIU. Hệ thống đào tạo STEM được đánh giá giúp các bạn trẻ trong tỉnh từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến đại học có cơ hội tiếp cận và phát triển những kỹ năng và kiến thức cần thiết về các ngành khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong thế kỷ XXI, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Vừa qua, Công ty NTT Việt Nam thuộc Tổng Công ty Becamex IDC đã triển khai thử nghiệm giải pháp chương trình giáo dục thông minh SmartEdu vào giảng dạy tại trường Tiểu học Phú Tân và trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm (TP.Thủ Dầu Một). Chương trình giáo dục thông minh SmartEdu đã được áp dụng tại nhiều trường học ở Nhật Bản.

Ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty NTT Việt Nam, cho biết thử nghiệm tại Bình Dương là một bước của dự án khảo sát tính khả thi trong việc triển khai hạ tầng chất lượng cao tại nước ngoài của Bộ Kinh tế - Công thương Nhật Bản. Đây là mô hình lớp học hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay, được phát triển từ Nhật Bản. Mô hình này có các tiện ích cơ bản như giáo trình điện từ được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây; sử dụng phần mềm độc quyền của SmartEdu với các nội dung số hóa; cùng với đó là các trang thiết bị thông minh cho phòng học như bảng tương tác, máy tính giáo viên, máy tính bảng cho học sinh...

Với chương trình giáo dục hiện đại này sẽ giúp học sinh tự do sáng tạo, thể hiện ý tưởng; phát huy tinh thần học nhóm hiệu quả nhờ tương tác với máy tính bảng, nâng cao khả năng trình bày và làm việc nhóm cho học sinh; giáo viên được gửi bài kiểm tra và tổng hợp kết quả làm bài nhanh nhất.

Theo lãnh đạo NTT Việt Nam, sau thử nghiệm này công ty sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ & Truyền thông Việt Nam (VNTT) để đưa trường Ngô Thời Nhiệm và các trường tiểu học của Bình Dương trở thành điển hình tiên tiến về giáo dục số tại Việt Nam. Ngoài ra, từ chương trình này cho phép thông qua mạng network của hệ thống có thể thực hiện kết nối với các trường tiểu học của Nhật Bản để có tiết học chung hoặc giao lưu trực tuyến.

Em Nguyễn Hậu Trung Nguyên, lớp 4A, trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm, nói: “Cách sử dụng phần mềm SmartEdu rất đơn giản, em không gặp khó khăn gì trong học tập. Khi bước vào lớp học thông minh, em được cô giáo chỉ cách sử dụng phần mềm, thông qua đó em thấy rất dễ hiểu. Em cảm thấy thoải mãi, dễ chịu, không căng thẳng như các tiết học trên lớp. Điều quan trọng nữa, qua chương trình này giúp em thỏa sức sáng tạo trong học tập”.

Chương trình thử nghiệm này được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ 20-8-2019 đến 31-12-2019 đối với các em học sinh khối lớp 3, 4 và 5, trong đó trường Tiểu học Phú Tân có 240 học sinh, trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm có 210 em học sinh tham gia. Đối tượng môn học theo chương trình này gồm toán, tiếng Việt và khoa học.

 Bình Dương đã phê duyệt Đề án xây dựng TPTM (Navigator 2021). Đề án đã xây dượng chương trình hành động về hỗ trợ hệ thống giáo dục của các trường trong tỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, để phát triển hơn nữa hệ thống giáo dục của tỉnh, các sinh viên, giáo viên và nghiên cứu sinh cần được hỗ trợ để tiếp cận, làm việc thêm ở nước ngoài trong các môi trường trình độ thế giới. Kinh nghiệm và kiến thức mà họ thu được từ các khóa trao đổi này sau đó có thể được áp dụng vào các đơn vị ở tỉnh. Hoạt động này được triển khai ở tất cả các cấp giáo dục. Để tối đa hóa lợi ích đầu tư, dự án cần tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn liên quan nhiều nhất đến ngành công nghiệp và dịch vụ với hàm lượng tri thức, công nghệ cao sẽ phát triển trong tương lai ở Bình Dương.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=495
Quay lên trên