Tìm “chìa khóa” giải bài toán nguồn nhân lực cho doanh nghiệp

Cập nhật: 10-09-2019 | 09:08:09

Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư lâu dài. Giúp DN có nguồn nhân lực chất lượng cao ổn định sản xuất, Bình Dương rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề. Và hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức là một trong các hoạt động thực hiện nhằm tạo cơ hội để các DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có “tiếng nói chung” trong công việc đào tạo, cung ứng lao động.

Ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương phát biểu tại hội thảo về giải pháp cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp

DN cần gì ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp?

Mở đầu cho buổi hội thảo, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết qua các buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các DN trong tỉnh như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), DN trong nước… thiếu lao động, nhất là lao động có kỹ thuật luôn là vấn đề “nóng” được nhắc đi nhắc lại. Điều này đặt ra vấn đề cho các cơ sở GDNN phải nỗ lực hơn nữa trong việc tuyển sinh, liên kết đào tạo với các DN để cung ứng lao động góp phần cho một tỉnh phát triển công nghiệp như Bình Dương. Ông mong muốn tại buổi hội thảo các đại biểu cởi mở, trao đổi với nhau những vấn đề quan tâm để cùng nhau tìm “chìa khóa” giải “bài toán” thiếu lao động chất lượng cao như hiện nay.

Bình Dương có 95 cơ sở GDNN, trong đó 7 trường cao đẳng, 1 phân hiệu cao đẳng đường sắt phía Nam, 12 trường trung cấp/ trung cấp nghề, 16 trung tâm GDNN, 58 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động GDNN. Hàng năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng hơn 30.000 học viên. Xác định GDNN là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều giải pháp để liên kết đào tạo giữa các trường và DN.

Cũng từ sự gợi ý trên, các DN đã nói lên những mong muốn của mình. Ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, theo tìm hiểu, các DN ngành gỗ đang rất cần lao động có chuyên môn kỹ thuật. Hiện nay, các DN gỗ không chỉ sử dụng máy móc thô sơ, lao động chân tay mà đang “chuyển mình” đầu tư máy móc hiện đại nên cần người vận hành. Ông mong muốn Bình Dương sẽ đào tạo, cung ứng nhiều lao động có tay nghề cho DN.

Một số DN khác cũng cho rằng, học viên, sinh viên (SV) mới ra trường được tuyển dụng hầu hết đều phải đào tạo lại. Bài toán đặt ra, tại sao DN và nhà trường không cùng đào tạo để cho SV ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc. Đại diện một số DN nhấn mạnh, các trường, cơ sở GDNN nên cho học viên, SV thực tập ngay từ năm nhất chứ không để đến năm cuối mới cho đi thực tập. Năm đầu khi tiếp cận với lý thuyết và áp dụng ngay vào thực hành, SV sẽ hiểu thêm về nghề mình học. Trong suốt quá trình học trung cấp, cao đẳng vừa học tại trường vừa tham gia thực tập làm tại DN, người học sẽ tự tin hơn và vững tay nghề sau khi ra trường, đáp ứng được nhu cầu lao động sản xuất của DN.

Một vấn đề được nhiều DN đề cập đó là đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, văn hóa ứng xử trong DN cho học viên, SV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các DN cho rằng, nhiều SV khi ra trường đi xin việc nhưng không được DN nhận vào làm vì thái độ, ứng xử với đồng nghiệp chưa tốt. Một số em thiếu tác phong nghiêm túc trong công việc.

“Bài toán” và “lời giải”

Trước những mong muốn của DN, đại diện các cơ sở GDNN trong tỉnh chia sẻ những cách làm của mình trong thời gian qua để đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN. Ông Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore cho biết, năm nay, trường có 2 điểm mới trong đào tạo. Thứ nhất là học viên, SV ký kết trực tiếp với DN để vừa học vừa làm với chi phí học tập do DN hỗ trợ. DN sẽ có ngay lao động có tay nghề đáp ứng mong muốn của mình, không phải đào tạo lại. Thứ hai, nhà trường sẽ thực hiện hợp tác xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp với DN. Ngoài khung chương trình dạy chung sẽ thay đổi 30 - 40% theo nhu cầu của DN cần. “Để đạt được kết quả tốt trong việc liên kết đào tạo, nhà trường đã giới thiệu cho DN thấy những lợi ích khi họ chung tay với trường đào tạo nguồn nhân lực. Hiệu quả tốt đương nhiên họ sẽ hỗ trợ trường”, ông Phong nói.

Đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quản trị công nghệ Bình Dương, trung tâm hiện đào tạo 3 nhóm nghề: Kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ. Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quản trị công nghệ Bình Dương, cho biết ở mỗi nhóm nghề khác nhau nhu cầu tuyển dụng của DN cũng khác. Trung tâm đã nghiên cứu tìm giải pháp liên kết đào tạo đúng nhu cầu cho DN. Trung tâm thường xuyên mời các DN đến chia sẻ hoạt động, nhu cầu tuyển dụng cho học viên. Họ sẽ lựa chọn, tuyển dụng ngay những học viên đáp ứng yêu cầu của DN. Đưa học viên đi thực tập ngay từ năm nhất cũng là cách làm trung tâm đang hướng đến. Ngoài ra, trung tâm còn mời các diễn giả nói về động lực, kỹ năng mềm để hướng dẫn SV mình văn hóa DN, tác phong công việc.

Một số cơ sở GDNN khác cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình đào tạo, liên kết đào tạo. Song song đó, họ cũng mong muốn DN hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho học viên, SV thực tập, đặt hàng đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng. r

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương:
Hội thảo rất thiết thực, đây là “cầu nối” để cơ sở GDNN và DN ngồi lại với nhau nắm được nhu cầu của nhau nhằm đáp ứng đào tạo và nhu cầu lao động. Sở Công thương mong các DN, hiệp hội sẽ tiếp tục tham dự các hội thảo do Sở LĐ-TB&XH tổ chức, đồng thời nói lên mong muốn để các cơ sở GDNN nắm được nhu cầu để đào tạo đúng hướng. Đối với các cơ sở GDNN, nguồn đào tạo ra được tiêu thụ là thước đo sự thành công. Do đó, các cơ sở GDNN nên có sự liên kết, nắm bắt nhu cầu của DN, hiệp hội để đưa vào chương trình, ngành nghề vào đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội:
Qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy, nhu cầu của DN đối với người lao động gồm kỹ năng nghề nghiệp (trình độ, ngoại ngữ…) và kỹ năng mềm (giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…). Trong quá trình đào tạo các cơ sở GDNN cần chú trọng đào tạo chuyên môn theo hướng thực hành gắn với nhu cầu của thực tiễn tại DN. Song song đó đào tạo kỹ năng mềm cũng là nội dung cần đặc biệt lưu tâm, đào tạo bài bản để sau khi tốt nghiệp người học được trang bị đầy đủ kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Làm được điều đó, cơ sở GDNN nên áp dụng các mô hình đào tạo thành công của các nước, mô hình đào tạo nghề ở Việt Nam.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2039
Quay lên trên