Trong khuôn khổ lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần II năm 2019, phiên nói chuyện chuyên đề về “Giải pháp phát triển và chế biến trái cây có múi sau thu hoạch” đã thu hút đông đảo người trồng bưởi ở TX.Tân Uyên tham gia. Trong số các giải pháp đưa ra tại buổi nói chuyện, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến giải pháp kỹ thuật canh tác hữu cơ và phương thức chế biến bưởi.
Trồng trọt theo hướng hữu cơ
Tại buổi nói chuyện, những người trồng bưởi ở xã Bạch Đằng rất quan tâm đến phương thức sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn quốc tế IFOAM (Liên đoàn quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ). Mục tiêu IFOAM đưa ra là bảo đảm hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế; duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất, sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Hiện nay, tại Bình Dương, Công ty TNHH Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), đã phát triển mô hình trồng bưởi hữu cơ. Hai năm nay, Công ty Uni Farm cũng bắt đầu sản xuất bưởi theo hướng an toàn. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, chia sẻ đối với kỹ thuật trồng cây có múi theo giống hữu cơ, giai đoạn chuyển đổi áp dụng trên các khu đất, một phần hoặc toàn bộ trang trại phải ít nhất là 12 tháng trước khi gieo hạt hoặc trồng cây đối với cây ngắn ngày, 18 tháng trước khi thu hoạch vụ đầu tiên đối với cây lâu năm. Thời điểm bắt đầu chuyển đổi áp dụng kỹ thuật trên vườn cây được tính từ ngày ghi nhận việc quản lý hữu cơ trong hồ sơ; giai đoạn chuyển đổi có thể kéo dài trên cơ sở nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan...
Ông Võ Văn Ngó, ở ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, tâm tình qua trao đổi với các chuyên gia tại buổi nói chuyện chuyên đề lần này, ông hiểu sâu hơn về kỹ thuật canh tác hữu cơ. Chẳng hạn như, việc giữ cỏ trên vườn cây để chống xói mòn và giữ ẩm cho cây, tạo điều kiện cho côn trùng có lợi sinh sống, từ đó giúp cây bưởi sinh trưởng tốt và mang lại sản lượng, chất lượng trái bưởi tốt hơn.
Phát triển sản phẩm chế biến từ bưởi
Cây bưởi xuất hiện từ rất lâu trên vùng đất cù lao Bạch Đằng. Tuy nhiên, nơi đây việc chế biến sản phẩm từ bưởi chưa phát triển mạnh. Tại xã Bạch Đằng hiện chỉ có gia đình ông Dương Văn Minh (thành viên Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng) sản xuất tinh dầu bưởi quy mô nhỏ, cùng một số ít gia đình làm rượu bưởi thủ công.
Sau khi nghe tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, giới thiệu về các sản phẩn chế biến từ bưởi, ông Nguyễn Hữu Hiếu (thành viên Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng), cho biết việc bưởi có nhiều hữu dụng từ lá, hoa, vỏ quả, tép quả, hạt từ lâu bà con trồng bưởi ở đây đã biết. Tuy vậy, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật làm phương tiện bảo quản trái bưởi, giúp trái bưởi tươi, các sản phẩm từ quả bưởi, vỏ bưởi ngon và an toàn cho người sử dụng… tại địa phương hiện chưa phát triển.
Theo tiến sĩ Đỗ Việt Hà, trước đây muốn sử dụng tinh dầu hoa bưởi chúng ta phải đợi lúc bưởi ra hoa, lấy hoa rồi nấu với nước để gội đầu trong ngày. Còn hiện nay thì đã khác, chỉ cần sử dụng kỹ thuật chưng cất để lấy tinh dầu bưởi, sau đó tinh dầu bưởi được bảo quản trong bao bì để mọi người có thể sử dụng trong vài năm. Các thành phần khác trong trái bưởi cũng có thể chế biến ra nhiều loại sản phẩm ăn ngay trong ngày hay bảo quản để sử dụng lâu dài. Do vậy, để tăng cường tiêu thụ quả bưởi và các sản phẩm từ quả bưởi trên thị trường trong và ngoài nước, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng hệ thống các cơ sở bảo quản và chế biến sản phẩm từ quả bưởi. Theo đó, việc bảo quản quả bưởi tươi cần thực hiện bằng phương pháp bọc màng hạn chế hô hấp, giảm thoát hơi nước kết hợp với nhiệt độ thấp và cân đối ẩm độ đến điều kiện cân bằng ẩm…
MY PHAN