Cô bé 5 tuổi ngồi vẽ và bán tranh bên hồ Hoàn Kiếm lúc chiều oi ả, bởi muốn mua xe đồ chơi mà mẹ bảo 'tự kiếm tiền'.
Phố đi bộ lúc 4 giờ chiều, Cherry tay cầm bút, tay giữ tập giấy vẽ bức tranh bầu trời với tone màu ấm. Quanh em là 4 bức tranh ngộ nghĩnh được bày bán và một tấm biển với dòng chữ xiên xẹo, nơi ấy "cô chủ nhỏ" giới thiệu về gian hàng của mình.
Ban đầu, Cherry nhận được nhiều cái lắc đầu mỗi khi rao: "Cô chú ơi, mua tranh đi". Em cảm thấy kiếm tiền thật khó. Má đỏ gay, ngồi lâu mông hằn tê, cô bé nói với mẹ "con sẽ cố gắng chịu". Sau hơn 2 tiếng, Cherry bán hết tranh mang theo, cũng như tranh vẽ thêm. Em thu được 400 nghìn đồng, ngoài ra còn mua được 2 quyển chép nhạc và hộp bút màu.
Bé Cherry bán tranh trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, hôm 14/9. Ảnh: Phương Chi
"Trước đó con nói có tiền sẽ mua xe bí ngô giống trong truyện cổ tích. Tôi khen tranh con đẹp, có thể bán lấy tiền để mua. Nghe vậy bé rất hào hứng và hẹn với mẹ cuối tuần dẫn đi bán tranh", chị Nguyễn Phương Chi, 32 tuổi, giám đốc một công ty nội thất phong cách Bắc Âu ở Hà Nội, cho hay. Tuy nhiên khi có tiền Cherry không thích xe bí ngô nữa. Cô bé nhét lợn và dự định trích một phần làm từ thiện.
Đây chỉ là một trong vô số lần "để con khổ" của chị Phương Chi. Từng chứng kiến nhiều đứa trẻ thành phố được chiều chuộng, muốn gì được nấy, hậu quả lớn lên ích kỷ, ý thức tự lập, vượt khó kém, Phương Chi không để con mình theo lối ấy.
Với chị, nuôi trẻ cũng như xây dựng thương hiệu doanh nghiệp cần có định hướng và tầm nhìn dài hạn. Để con lớn lên trở thành một đứa trẻ tự lập, tâm hồn hướng thiện, chị có quan niệm dạy con xuyên suốt là "mẹ rất lười" và "mẹ rất nghèo".
"Giả lười ở đây là để con không thụ động, ỷ lại, tự tìm câu trả lời cho mình. Giả nghèo là kìm hãm mong muốn của con, rèn cho con sự nhẫn nại và quý trọng những gì mình có", nữ giám đốc chia sẻ.
Ngay từ khi con 6 tháng, chị đã rèn các bé tự lập, đầu tiên bằng việc tự bốc ăn, dần dần sau đó là tự đánh răng, mặc quần áo, tắm rửa... Cherry (hiện 5 tuổi) và Berry (2,5 tuổi) đều tự ăn từ lúc 14 tháng, tự tắm lúc 2,5 tuổi.
Tuy nhiên để được kết quả đó không dễ dàng. Rất nhiều lần các bé không hợp tác, muốn ỷ lại. Người mẹ vẫn giữ thái độ trước sau như một, nói là làm. "Con không tự đánh răng thì mẹ vứt bàn chải này", chị Chi từng nói với bé Berry và bỏ luôn bàn chải màu hồng yêu thích của bé vào thùng rác. Cô bé khóc giãy nảy, biết sợ và từ đó tự động đánh răng.
Có bữa Cherry không chịu ăn cơm, đến tối đi ngủ thì kêu đói. Người mẹ nhắc lại thoả thuận "con không ăn phải tự chịu" hồi chiều. Cherry đành chấp nhận ôm bụng rỗng đi ngủ. Sáng hôm sau em dậy rất sớm và ăn hết veo bát mỳ to gấp đôi thường ngày.
Người mẹ trẻ cũng ít khi mua đồ chơi, quần áo cho con mà thường tận dụng đồ của con chị gái. Nếu mua thì sẽ cất đi đợi dịp mới tặng. Một lần Cherry rất thích chiếc gối ôm pony hơn 100 nghìn đồng, chị Chi nói "Đắt lắm, mẹ không mua được" và hẹn sẽ kiếm tiền, tặng vào dịp sinh nhật 5 tuổi.
"Từ hôm đó trở đi, thi thoảng con lại hỏi sắp đến sinh nhật chưa. Nửa năm sau con được nhận được món quà đó và rất quý trọng", chị kể.
Thay vì mua sắm, gia đình đầu tư vài chuyến du lịch trong và ngoài nước mỗi năm để các con được trải nghiệm. Các bé học trường tư, được đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản chứ không thừa mứa.
Như nhiều đứa trẻ thành phố, Cherry sợ bẩn. Để "trị" tính này, chị Chi đưa con gái lang thang các ngõ ngách Hà Nội. Hai mẹ con đi sâu vào các khu lều lán của người dân ngoại tỉnh lên phố mưu sinh. Ban đầu Cherry chân chùn lại không bước xuống con đường đất.
Không thúc ép, người mẹ để cho con gái tự quan sát một cuộc sống khác với của bé, nơi đây cũng có những đứa trẻ tương đương tuổi con đang chơi đùa trên đất cát. Rồi sau đó thêm vài câu khích lệ, Cherry bước xuống đất, thậm chí còn leo lên cây chơi.
Cách dùng "nghèo và lười" với hai con của Chi khiến ông bà nội sống chung bao lần xót cháu. "Tuần trước Berry nghịch ngợm, bị ngã một cục to trên trán. Ông bà định đến an ủi và giúp cháu, nhưng vợ tôi trấn an ông bà, đồng thời yêu cầu con tự lấy đá chườm. Dù con đang đau, chúng tôi vẫn muốn con phải tự dọn dẹp hậu quả mình vừa làm", anh Tuấn Anh, chồng chị Phương Chi cho biết thêm.
Người xung quanh thường khen Cherry có năng khiếu vẽ do thừa hưởng từ cha mẹ - cả hai là kiến trúc sư. Song, anh chị lại nghĩ phần lớn là do khích lệ. Từ khi con biết cầm bút, dù những nét vẽ nguệch ngoạc, chị Chi luôn nói "Con làm tốt lắm, thử một lần nữa nào". Qua những câu động viên của cha mẹ, giờ đây vẽ với cô bé như một đam mê.
"Có thể được rèn tự lập mà giờ Cherry đặc biệt khéo trông em. Khi ở sân bay, mình bảo con trông em, đến khi quay lại thấy Cherry ôm Berry khư khư. Lúc ở bể bơi, mình vờ mệt, con liền lãnh trách nhiệm dẫn em đi vệ sinh. Nhìn những cảnh đó vừa yêu, vừa thương", chị kể thêm.
Sáng mỗi ngày, Cherry và Berry tự động bật dậy khi nghe tiếng chuông quen thuộc, tự đánh răng, rửa mặt, sau cùng ngồi vào bàn ăn như mọi người trong nhà. Cherry dẫn Berry tung tăng ra xe bus trước ngõ để tới trường. Việc duy nhất người mẹ này phải làm là đi bộ theo sau con.
Cách dùng "nghèo và lười" dạy con từng được nhiều người nổi tiếng áp dụng Tỷ phú Warren Buffett - hiện đứng thứ 3 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới 2019 - đã nuôi dạy 3 con theo cách bình dân nhất . Các con ông sống trong ngôi nhà khiêm tốn, đi bộ đến trường công. Cả ba đều đi làm thêm để kiếm tiền tiêu vặt khi nghỉ hè. Tất cả không hề biết cha mình là một người cực kỳ giàu có, cho đến khi đã hơn 20 tuổi. Tỷ phú kim cương giàu bậc nhất Ấn Độ Savji Dholakia cũng đẩy con trai duy nhất ra đường tự xin việc , kiếm tiền tồn tại vào kỳ nghỉ hè năm 2016. Sau một tháng, con ông đã kiếm được 60 đôla, sau 5 ngày không tìm được việc. Nhà báo Thu Hà, TP HCM, đã viết thành sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết" từ kinh nghiệm của mình. Chị chủ trương để con tự vật lộn với vấn đề của mình, để con lớn lên sẽ tự lập, còn mẹ tự do. Cố vấn giáo dục của Microsoft bà Tô Thụy Diễm Quyên (TP HCM) cho rằng, không có nhiều cha mẹ Việt sát sao và có nhiều cách dạy con tiến bộ như Phương Chi. Tuy nhiên bà cho rằng, để đạt được mục đích thì có rất nhiều cách làm. Việc người mẹ "giả lười và nghèo" không hẳn là cách hay và cũng chưa xác định được hiệu quả do các bé còn nhỏ. "Đôi khi việc giả nghèo, giả lười có thể mang lại hiệu quả ngược, khi trẻ đủ nhận thức sẽ không tuân theo nữa", bà Quyên nói. |
Theo GIADINH.NET