Gieo chữ giữa trùng khơi

Cập nhật: 20-02-2011 | 00:00:00

Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nằm giữa những cây bàng vuông rậm rạp, xanh um. "Hạ tầng" nom bề thế: sân trường rộng rãi, lối đi tươm tất, có chỗ chơi cho lũ trò nhỏ nghịch như quỷ... Nhưng vào tiết học, nhất là tiết bài tập, cả lớp chỉ còn nghe giọng cô giáo giảng bài xen lẫn tiếng sóng biển rì rào. Giờ ra chơi, dưới những tán bàng vuông lại rộn rã tiếng nói, cười.

 Cả lớp tập hát bài “Mình là người Việt Nam” do ông Nguyễn Phước Bửu Sơn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa sáng tác. Chúng tôi rời cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) ra Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đúng hôm biển động. Sóng cấp 8, cấp 9. Trên tàu, phần lớn cánh phóng viên say sóng nằm bẹp dí. Người nằm giường tầng trên trong căn phòng vuông vức, bé xíu như bao diêm, theo cách gọi ở miền Bắc là nôn hay nôm na như cách nói thời @ là li-vơ-phun- xuống đầu người nằm tầng dưới cũng đang thò cổ ra sàn tàu thốc tháo. Nhưng suốt chuyến đi, mỗi khi nghe anh em hải quân kể về nỗi thèm người của chiến sĩ ngoài hải đảo, cả đám lại tỉnh như sáo. Chúng tôi có một nỗi thèm khác. Không chỉ thèm được gặp những người lính can trường ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc mà còn thèm được gặp bà con mình đang sinh cơ lập nghiệp ở Trường Sa, thèm được gặp bao cháu nhỏ đã sinh ra, lớn lên và học tập nơi đầu sóng ngọn gió… Anh em như quên cả say sóng dù mỗi lần vạn bất đắc dĩ phải rời phòng, ai cũng bước xiêu vẹo xô vào hai bên hành lang tàu.

Đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, sau phần "hội nghị", "làm việc", chúng tôi dò ngay đến Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Khi cánh phóng viên xuất hiện ở cửa lớp học, cậu lớp trưởng có khuôn mặt sáng, đứng dậy hô to: Cả lớp đứng dậy! Nghiêm! Chúng cháu chào các cô các chú ạ! Sau này, cô Nhung, chủ nhiệm các em giải thích, không chỉ học văn hóa mà các cháu còn được dạy dỗ tỉ mỉ nền nếp, tác phong, lời thưa gửi đến câu chào hỏi… Các cháu dạn dĩ, mạnh bạo và biết lễ phép trong ứng xử là vì thế.

Lò mò sĩ số trường tiểu học thị trấn, tôi phát hiện hai cái tên rất lạ: Nguyễn Thị Mi Sen, Nguyễn Chinh Si. Bây giờ, tên Sen với Si hiếm. Đấy là hai chị em ruột. Sen là chị, năm nay học lớp 2. Si lớp mầm non. Hỏi chuyện bố mẹ hai cháu, hóa ra Sen, Si không liên quan gì đến… cây. Anh Yên, bố các cháu, cười hiền lành. Hai vợ chồng anh vốn yêu biển, lõm bõm nghe tiếng Anh: Sen - phát âm của từ sand, nghĩa là cát, si - phát âm từ sea, nghĩa là biển, thế là bàn với nhau sinh con sẽ đặt tên như vậy. Cô bé Sen chào đời, muốn con gái có cái dịu dàng, mượt mà của cát, anh chị liền đặt tên. Đến cậu con trai, anh chị muốn nó phải thật mạnh mẽ, can trường, như biển cả, như sóng gió… Thế là cái tên Si được chọn. Cả hai chị em có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt đen láy. Cô chị dịu dàng, nhường nhịn, đúng tính cách con gái, còn cậu Si thì luôn chân luôn tay. Cậu học cách chào, cách đi của các chiến sĩ hải quân.

Lớp trường không đông nên lũ trẻ ít khi cãi vã. Và ở đó, đứa nào cũng đáng yêu, cũng sáng sủa, lanh lẹn. Cũng vì những đứa trẻ đáng yêu ấy mà cô giáo Bùi Thị Nhung, năm nay ba mươi, đi đến quyết định khiến đồng nghiệp, nhà chồng, bố mẹ đẻ và bạn bè bất ngờ là "ép" chồng ra đảo cùng.

Đấy là cuối năm 2007. Nhung đang dạy ở Trường Tiểu học Suốt Cát (Khánh Hòa). Một bữa, cô giáo trẻ xem tivi, thấy cảnh lũ trẻ trên đảo Trường Sa lớn thèm thầy, cô giáo, thèm được đến trường. Cô ngẫm nghĩ mãi rồi mới tâm sự với chồng, anh Đặng Thành Chương, khi đó đang làm ở Xí nghiệp Cát Trắng Cam Ranh (Bộ Xây dựng). "Tưởng chồng sẽ nhảy dựng lên như đỉa phải vôi, ai dè anh cũng tâm trạng không kém. Vốn trước anh cũng là lính, đã từng trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn. Anh nghĩ, không phải lo cho bản thân mà sợ vợ con khổ". Nhung cứ rủ rỉ. Anh Chương vốn chiều vợ. Những e ngại dần dần "lùi bước" trước quyết tâm của cô vợ đang hăm hở dạy cho đám trẻ sinh sống ngoài đảo xa. Anh gật đầu. "Chốt chặn" khó qua nhất là mẹ chồng. Bà Nhắt, mẹ chồng Nhung, tá hỏa khi biết Nhung xin chuyển từ nơi nhàn nhã đến chốn đầu sóng gió. Bà lo nhất cho đứa cháu nội mới mười mấy tháng tuổi. Hai vợ chồng Nhung lại phải xúm vào thuyết phục.

Thật ra khi đó, Nhung đã trải qua thời gian công tác tại miền núi. Cô thừa tiêu chuẩn để ở lại đất liền. Bà Nhắt biết điều đó. Nhưng khi hiểu tấm lòng của cô con dâu, lại liệu cái thế tát biển Đông cũng cạn của hai vợ chồng, thôi thì đất không chịu giời, giời phải chịu đất. Thế là cuối năm 2007, hai vợ chồng Nhung bắt đầu chuẩn bị đồ đạc, sẵn sàng cho điều kiện khắc nghiệt ngoài đảo xa.

Trước khi Nhung ra Trường Sa, cơ sở vật chất trường tiểu học thị trấn vẫn còn khá sơ sài. Để có chỗ dạy học, Nhung tận dụng khoảng trống chỉ chừng vài mét vuông giữa nhà trên và nhà dưới trong căn hộ của hai vợ chồng kê bàn, ghế, bảng. Cô say sưa dạy. Trò mải mê học. Khuôn mặt những đứa trẻ ngày nào đến lớp cũng rạng rỡ. Anh Nguyễn Văn Thi có hai con là học trò cô giáo Nhung cảm động lắm. Cả hai đứa nhà anh cũng sáng dạ, học đến đâu tiếp thu đến đấy. Tối đến, hai vợ chồng anh "kiểm tra" ở nhà, cô chị cô em đều trả lời bố mẹ vanh vách. Đến giờ thì "hạ tầng" nom đã bề thế: sân chơi rộng rãi, lối đi tươm tất, có nơi chơi đùa cho lũ trò nhỏ... Nếu cứ chiểu theo tiêu chí thì có lẽ thừa… chuẩn quốc gia.

Đúng ngày chúng tôi dừng chân ở đảo Trường Sa lớn, cô Nhung đón nhận một sự kiện trọng đại là vinh dự được kết nạp Đảng. Hôm ấy, sau bữa cơm tối kết thúc sớm hơn mọi ngày, anh em chiến sĩ, đảng viên, người dân kéo đến chật kín hội trường, treo cờ Đảng, trang trí phòng… chuẩn bị cho lễ kết nạp. Thượng tá Phạm Văn Chung, Bí thư Đảng ủy đảo Trường Sa, hồ hởi: - Việc bồi dưỡng, phát triển và kết nạp Đảng nơi đầu sóng ngọn gió có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ, quần chúng, các hộ gia đình, cán bộ, công chức đang sinh sống, làm việc trên đảo.

Lễ kết nạp Đảng có nhiều em nhỏ theo bố mẹ tới, những học trò đáng yêu và sáng dạ của cô giáo Nhung. Với riêng Nhung, đây là phần thưởng xứng đáng. Nhưng phần thưởng khác, thiêng liêng và đáng quý không kém, ấy là các học trò của Nhung không hề thua kém học sinh ở trong đất liền.

Cô con gái lớn của Nhung cũng đang học cùng Sen, Si và bao chúng bạn dưới mái trường ở thị trấn Trường Sa bốn mùa sóng vỗ, giữa những cây bàng vuông xanh um. Hai vợ chồng cô đang háo hức chờ đón đứa con thứ hai lọt lòng. Nhung cười hiền lành: Sau vợ chồng em, chúng em muốn các con em lớn lên và góp phần xây dựng Trường Sa, trước hết là chính ngôi trường này.

Một thế hệ mới đang lớn dần lên giữa nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, từ tình yêu biển đến mức đặt tên con của mình là cát và biển, đến mức sẵn sàng ra giữa trùng khơi để dạy học của những người như anh Yên, cô Nhung…

Có thể rất lâu nữa mới trở lại nơi này, nhưng những ánh mắt đen láy hiếu học của lũ trẻ và niềm say mê dạy học của một cô giáo trẻ sẽ còn đọng lại mãi trong mỗi chúng tôi.

Theo Hà Nội Mới

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên