Giữ lửa nghề, giữ hồn văn hóa…

Cập nhật: 26-01-2024 | 08:55:04

Sau những tháng ngày chào hàng thất bại, với nỗi niềm đau đáu hàng đêm, cuối cùng ông Nguyễn Văn Âu đã tìm được “lối đi” cho nhang thành phẩm của gia đình, vươn ra thị trường nước ngoài. Ông quan niệm, giữ nghề nhang truyền thống cũng chính là giữ nét văn hóa của cha ông để lại.

Sản xuất nhang bằng máy công nghiệp

Nhng ngày bn rn

Trên con đường đượm mùi thơm dịu nhẹ của nhang, dưới cái nắng óng ả, theo chân anh Phạm Quốc Bảo, cán bộ phường Dĩ An, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nhang của ông Nguyễn Văn Âu, 80 tuổi, khu phố Bình Minh 2. Anh Bảo cho biết, khi nhắc đến ông Âu, mọi người ở khu phố đều gọi ông với cái tên thật gần gũi - ông Sáu Âu.

Hai bên đường, trong khoảng sân rộng của khu sản xuất, những bó nhang rực màu vàng, đỏ xòe rộng như những bông hoa khoe sắc dưới nắng vàng. Bất chợt trong tôi dâng trào cảm xúc, dường như đất trời đang chuyển giao đón chào một năm mới sắp bắt đầu. Đi sâu vào khu sản xuất, tiếng máy công nghiệp, tiếng nói, tiếng cười của những người làm nhang tạo lên không khí rộn ràng, nhộn nhịp.

 Những bó tăm nhang khoe sắc rực rỡ

Niềm nở đón chúng tôi, ông Nguyễn Văn Âu cho biết cứ mỗi độ tết đến, cơ sở lại bận rộn cho kịp những đơn hàng. Cầm những chiếc tăm nhang trên tay, ông Âu bùi ngùi, kể lại: “Thời xưa, khắp vùng này đều làm tăm nhang, là nghề cha truyền con nối của các gia đình sống lâu đời nơi đây. Thời đó, khắp các con đường đều phơi chân nhang, nhà nhà, người người đều làm tăm nhang. Tiếng chẻ tre, chẻ nứa, tiếng chuốt tăm nghe tí tách đã trở thành “tiếng quê hương” trong lòng mỗi người dân quê. Vào vụ mùa, những chuyến hàng tấp nập được thương lái thu mua và chở đi, không khí nhộn nhịp lắm”.

Cũng theo lời ông Âu, bao đời nay, nén nhang đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong tâm thức người Việt. Trên bàn thờ gia tiên, trong các ngôi chùa vào những dịp lễ, tết, hiếu, hỉ, nhang là thứ đã không thể thiếu. Nhưng rồi, với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các khu công nghiệp mọc lên, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đa số những người trẻ của “làng tăm nhang” giờ đây đã chuyển nghề. Một số những người còn bám nghề đã vào làm cho cơ sở của ông Sáu Âu.

 

Nhang thành phẩm phơi dưới nắng vàng

Dù đã lớn tuổi, nhưng do yêu nghề, nhớ nghề, 4 năm nay bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, người dân khu phố Bình Minh 2 vẫn làm công việc se nhang cho cơ sở này. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã gắn bó với công việc làm tăm nhang. Đến tuổi xế chiều, không còn làm nghề này nữa, tôi thấy rất nhớ. Vì vậy, 4 năm trước tôi xin vào làm tại cơ sở sản xuất nhang của ông Âu để tiếp tục được làm nghề truyền thống của cha ông mình. Vui vì nghề đậm nét văn hóa truyền thống vẫn tiếp tục được gìn giữ và ngày càng được mở rộng, phát triển, vui vì nghề truyền thống vẫn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động nơi đây”.

Đưa sn phm vươn khơi

Mặc dù làng tăm nhang Dĩ An giờ đây chỉ còn duy nhất cơ sở sản xuất của ông Sáu Âu hoạt động, nhưng thành phẩm nhang của cơ sở đã có mặt tại thị trường nước ngoài từ nhiều năm qua. Đứng bên những thiên nhang phơi ngoài sân, ông Sáu Âu tâm sự: “Với mong muốn mở rộng thị trường, tôi mang nhang chào hàng khắp các chợ của Sài Gòn nhưng hầu như các cửa hàng đều đã có mối giao. Chào hàng thất bại, tôi “đau đáu” hàng đêm, tìm cách để sản phẩm đến được tay mọi người, có chỗ đứng trên thị trường, tăng thêm giá trị sản phẩm của làng nghề, tạo thêm nguồn thu cho gia đình cùng người lao động”.

Sau bao ngày tháng kiên trì, cuối cùng nhang của cơ sở ông Sáu Âu cũng được khách hàng đón nhận, số lượng ngày càng nhiều lên. “Năm 2005 tôi may mắn gặp được một số cơ sở xuất khẩu nhang, họ đã đặt mua. Bình quân mỗi tháng tôi xuất khẩu được 2 container nhang thành phẩm rồi mở rộng ra thị trường một số tỉnh miền Tây, cơ sở của gia đình ngày một phát triển. Quả thực nghề đã không phụ lòng người”, ông Sáu Âu tâm sự.

 Đóng gói nhang thành phẩm nhỏ

Ông Sáu Âu cho biết, nén nhang không chỉ có trong văn hóa người Việt mà còn là văn hóa của một số nước châu Á. Năm 2008, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài, ông đã sử dụng máy móc hiện đại hơn để sản xuất. Hiện nay, cơ sở sản xuất nhang của ông Sáu Âu có gần 100 công nhân. Bình quân mỗi tháng xuất khẩu 3 container thành phẩm nhang sang thị trường Singapore, Malaysia, Đài Loan, Ấn Độ…

“Sau bao năm nghề này đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, tạo được việc làm với thu nhập tốt cho một số lao động địa phương. Tôi vẫn luôn nhắc các con tôi phải giữ nghề, đây là nét văn hóa truyền thống của cha ông, bên cạnh tiêu thụ nội địa phải đưa sản phẩm của quê hương ra thị trường nước ngoài”, tâm sự của ông Sáu Âu trước lúc chia tay thật đáng trân trọng.

Dưới cái nắng chói chang giữa trưa muộn, đọng mãi trong tôi là hình ảnh ông Sáu Âu dõi ánh mắt mãi nhìn về phía những kiện hàng đang được chất lên xe container vận chuyển xuống kho cảng, xuất đi thị trường nước ngoài. Đó là những chuyến hàng đong đầy tâm huyết, những giọt mồ hôi của chính ông cùng những người thợ yêu nghề truyền thống. Và đó cũng chính là “trái ngọt” mà cả cuộc đời của ông lão 80 tuổi với bao tâm huyết, ngày đêm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống cho một làng nghề đã trăm năm tồn tại...

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=851
Quay lên trên