“Giúp người ta bớt khổ thì mình vui!”

Cập nhật: 04-09-2018 | 08:52:32

Đó là câu nói đã khiến tôi ấn tượng về chị Bồ Thị Kim Sa, Chi hội trưởng Hội LHPN khu phố 8, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một. Không nề hà việc “vác tù và hàng tổng”, nhiều việc làm của chị đã giúp ích cho những trường hợp khó khăn và tạo thêm niềm vui cho chị trong cuộc sống...

 

 Chị Bồ Thị Kim Sa (bìa phải) trao tiền vay từ Quỹ CEP cho hội viên phụ nữ. Ảnh: Q.N

Giúp phụ nữ nghèo vươn lên

Hôm tôi đến thăm nhà chị Kim Sa cùng với chị Hồ Thị Kim Ngọc, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp An, trên đường đi, chị Kim Ngọc nói rằng: “Chị Kim Sa đi miết à nên phải hẹn trước. “Đi miết” là đi tìm người khó khăn để “lắng nghe họ nói coi có giúp được gì thì giúp”. “Đi miết” là cùng các nhóm hoạt động thiện nguyện, vận động tặng quà cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa, bà con đang chịu biết bao khó khăn vì thiên tai”.

Chị Bồ Thị Kim Sa sinh năm 1958, trước từng là giáo viên tiểu học. Nhà chị ở TX.Tân Uyên nhưng sau này lấy chồng, lập nghiệp ở Tương Bình Hiệp rồi chuyển về Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một. Cơ ngơi của chị hiện tại là một căn nhà mặt tiền buôn bán đồ điện gia dụng, điện tử cùng người em. Các con đã thành gia thất và sống riêng, có cuộc sống tự lập. Chị Kim Sa sống chung với mẹ. Mẹ của chị còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn với gương mặt phúc hậu, ai nhìn vào cũng thấy sự ấm êm, hạnh phúc của gia đình này.

Dường như hiểu được suy nghĩ của tôi trước những công việc của mình, chị Kim Sa cười nói: “Tôi làm đủ thứ, từ việc đi điều tra dân số, lắng nghe và hòa giải khi nhà ai có mâu thuẫn, vận động thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ, xác minh phụ nữ nghèo cho vay vốn… Tất cả công việc đó chỉ được phụ cấp hơn 300.000 đồng/tháng, nhưng tôi làm vì thấy người ta bớt khổ là mình vui!”. “Người ta bớt khổ” mà chị Kim Sa nói cụ thể là hội viên (HV) hội phụ nữ. Chị cho biết, toàn khu phố 8 này có 336 HV phụ nữ. Đa số HV làm công nhân, buôn bán nhỏ với mức thu nhập thấp. Trước có 6 hộ nghèo nhưng nay đã giảm được 3 hộ, còn 3 hộ HV phụ nữ nghèo và chị đang vận động để hỗ trợ họ vươn lên, thoát nghèo.

Các hộ mà chị Kim Sa giúp thoát nghèo có thể kể đến như gia đình chị Phạm Thị Mến. Trước đây chị Mến phụ quán bán cơm. Sau đó, chị vay vốn hỗ trợ HV nghèo mở quán tạp hóa. Nhờ cần cù làm ăn, sự giúp đỡ của gia đình và tổ chức hội, chị đã cất được nhà rồi xây thêm vài phòng trọ. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, chị còn có thể tiếp tục giúp các HV phụ nữ khác làm ăn, vươn lên. Hay trường hợp của chị Phạm Thị Tư cũng vậy, được giúp đỡ, chị mạnh dạn vay vốn từ các nguồn quỹ hỗ trợ của hội. Chị Tư đầu tư vốn làm vườn lan cắt cành, từ quy mô nhỏ, chị dần dần mở rộng cơ sở của gia đình và vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình chị khá dần lên.

Hướng đến lợi ích cộng đồng

Hỏi chị Kim Sa làm sao để vận động được chị em phụ nữ tích cực tham gia tổ chức hội, chị cười: “Mình phải nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ rồi chân thành động viên chị em để tự ý thức, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Trước đây, hầu hết phụ nữ ở địa phương phụ thuộc vào chồng, quanh quẩn ở nhà nội trợ, nuôi con. Nhưng từ ngày có nhiều công ty, xí nghiệp mở ra, các chị đi làm công nhân hoặc làm dịch vụ. Từ đó, mức sống cũng được nâng lên, nhà cửa sửa chữa khang trang hơn”.

Nắm bắt tâm tư của chị em và luôn ân cần giúp đỡ HV nên chị Kim Sa biết được rằng, khi một thanh niên lên đường nhập ngũ là gia đình họ bớt đi một lao động chính. Vì vậy, chị vừa thăm hỏi, động viên, vừa giúp HV là mẹ của thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vay vốn ưu đãi để làm ăn. Có nhiều trường hợp chị Kim Sa còn trực tiếp đưa họ đến Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh làm thủ tục vay vốn. “Ngó vậy chớ nhìn quanh biết nhau hết à. Nên phải giúp nhau để ai cũng có cuộc sống ấm êm là việc mình nên làm”, chị Kim Sa chia sẻ. Chị hiện cũng là nhóm trưởng nhóm vay Quỹ CEP hỗ trợ HV, nhóm trưởng nhóm từ thiện Hiệp An (kết hợp với tổ chức Hội Chữ thập đỏ, Phật giáo…) có hơn 100 người với nhiều hoạt động khá hiệu quả. Nhóm của chị Kim Sa nhận nấu bữa cơm dinh dưỡng cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm bảo trợ xã hội ở TP.Thủ Dầu Một…

Làm cán bộ hội là phải làm tốt công tác dân vận và phải biết lắng nghe và chia sẻ, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nói cho dân hiểu. Chị Kim Sa cho biết như vậy và chị đã thành công trong việc đi vận động bà con biết hy sinh quyền lợi riêng của mình chung tay vì cộng đồng. Các tuyến đường ở khu phố 8, phường Hiệp An (đường bê tông rộng 4m) được mở rộng, sạch đẹp như ngày nay là có sự chung tay của cán bộ đoàn thể cũng như sự đóng góp không nhỏ của bà con. Chị Kim Sa bảo: “Chuyện gì mình biết thì giải thích rõ ràng, đơn giản. Chuyện quá thẩm quyền và hiểu biết của mình thì nhờ cán bộ chuyên môn cấp cao hơn đến giải thích cho bà con. Dần dần bà con sẽ hiểu ra và ủng hộ”.

Lúc chia tay, tôi thấy chị Kim Sa đang hoàn tất hồ sơ nhận học bổng cho một học sinh nghèo, ba của em mới mất do tai nạn giao thông. Chị bảo, có nguồn học bổng này và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, em ấy sẽ được tiếp tục đến trường. Cuộc sống này, niềm hạnh phúc đến khi chúng ta giúp ai đó hạnh phúc, vượt qua khó khăn. Tôi nghiệm ra và biết chị Kim Sa đang hạnh phúc với những điều tốt đẹp mà chị đã làm…

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=465
Quay lên trên