Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký tắt kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT). Trong quá trình đàm phán, định nghĩa “Gỗ hợp pháp” là một vấn đề không dễ, bởi “gỗ hợp pháp” được hiểu là toàn bộ chuỗi cung ứng tạo ra sản phẩm đều phải tuân thủ đúng pháp luật của nước sở tại. Muốn xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh được sản phẩm đó được làm từ gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Việt Nam có hai nhóm đối tượng là “tổ chức” (bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp hay hợp tác xã). Nhóm thứ hai là “hộ gia đình” (bao gồm các hộ cá thể, cá nhân và cộng đồng thôn cư) tham gia thực hiện chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ.
Mặt hàng gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm qua, ước năm 2017 đạt khoảng 7,6 - 7,8 tỷ USD. Việt Nam trở thành nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ; đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á.
H.A