Hai năm tín nhiệm thấp có thể thôi giữ chức vụ

Cập nhật: 23-10-2012 | 00:00:00

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được diễn ra hằng năm và nếu phiếu tín nhiệm thấp trong hai năm liền thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm, từ chức hoặc miễn nhiệm…

Theo tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn do Trưởng Ban công tác đại biểu của UBTV Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày sáng 23-10 tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 người gồm: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của UBTV Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước.

  Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII  Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các ủy viên của Hội đồng, Ủy ban.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của UBND.

Các Ban của Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ Trưởng ban.

Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến UBTV Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội. Các Ban của Hội đồng nhân dân có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Thường trực Hội đồng nhân dân để tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp mình. Quốc hội, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Căn cứ cho việc đánh giá tín nhiệm gồm: việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật đối với từng chức danh cụ thể; tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Theo Nghị quyết Trung ương 4 thì “những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ”. Luật cán bộ, công chức quy định: “Cán bộ hai năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bố trí công tác khác. Cán bộ hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ”. Căn cứ vào các quy định này, dự thảo Nghị quyết đề xuất việc xử lý và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện như sau:

Sau khi kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, UBTV Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức vụ cụ thể để xem xét, xử lý theo quy trình công tác cán bộ.

Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.

Người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân mà có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTV Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Người có hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTV Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Hội đồng nhân dân mà có số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” chiếm tỷ lệ cao thì xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền để Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban của Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban, Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân.

Nên thay “bỏ phiếu tín nhiệm” thành “bỏ phiếu bất tín nhiệm”

Dự thảo Nghị quyết quy định có bốn mức trên phiếu lấy tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật tán thành với việc chia bốn mức để đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm như quy định trong dự thảo Nghị quyết, vì cho rằng việc chia các mức như vậy là phù hợp với yêu cầu của việc lấy tín nhiệm, đồng thời tránh được nhầm lẫn giữa việc “lấy phiếu tín nhiệm” với việc “bỏ phiếu tín nhiệm” (bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có hai mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”).

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc lượng hóa để xác định các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, vì cho rằng tín nhiệm cao hay thấp phải dựa trên cơ sở của kết quả tỷ lệ phiếu tín nhiệm nhiều hay ít. Do đó, ý kiến này đề nghị trên phiếu chỉ nên có duy nhất một mức “tín nhiệm”, nếu đại biểu nào tín nhiệm thì đánh dấu (X) vào ô đồng ý, còn đại biểu nào không tín nhiệm thì đánh dấu (X) vào ô không đồng ý. Căn cứ vào tỷ lệ phiếu tín nhiệm để xác định người được lấy phiếu đạt tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không nên đặt ra lựa chọn “chưa có ý kiến” trên phiếu, vì trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phải thay mặt cử tri xem xét và thể hiện chính kiến của mình.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm và được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vì cho rằng thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm dễ tạo tâm lý “dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại va chạm, không dám nghĩ, dám làm, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với công việc điều hành cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, cũng không cần thiết tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào năm cuối nhiệm kỳ vì không mang lại hiệu quả thiết thực.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với việc cần gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Do vậy, trong Nghị quyết này cần quy định cụ thể các trường hợp UBTV Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để bảo đảm tính khả thi, sự rõ ràng, rành mạch, thuận tiện cho việc áp dụng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy định hiện hành về việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị thay khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” bằng “bỏ phiếu bất tín nhiệm” để thể hiện rõ mục đích, yêu cầu và đối tượng cần bỏ phiếu. Cũng có ý kiến cho rằng quy định về việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết còn phức tạp, qua nhiều khâu, chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 cũng như các văn bản liên quan đến công tác đánh giá cán bộ. Do đó, ý kiến này đề nghị quy định người có số phiếu tín nhiệm thấp là căn cứ để thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức mà không cần qua thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”.

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=392
Quay lên trên