Quốc gia nghèo nhất
Haiti tên chính thức là Cộng hòa Haiti, một quốc gia ở vùng biển Caribbean nói tiếng Creole Haiti - và tiếng Pháp. Cùng với Cộng hòa Dominicana, quốc gia này nằm ở đảo Hispaniola, trong quần đảo Đại Antilles có diện tích 27.750km² và thủ đô là Port-au-Prince. Vị trí dân tộc, ngôn ngữ và lịch sử của Haiti độc đáo vì nhiều lý do. Đây là quốc gia mà sự độc lập có được một phần là nhờ cuộc nổi dậy của nô lệ. Dù ở khu vực Mỹ Latinh, song Haiti sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức.
Thủ đô Port-au-Prince của Haiti bị tàn phá khủng khiếp sau trận động đất.
Theo phần lớn các đánh giá kinh tế, Haiti là nước nghèo nhất ở châu Mỹ và cũng là một trong những nước nghèo và kém phát triển nhất thế giới có 56% cư dân (khoảng 4,5 triệu người) sống dưới mức 1 USD/người/ngày, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 75%. Các chỉ số so sánh xã hội và kinh tế cho thấy Haiti rơi xuống phía dưới mức các nước có thu nhập thấp đang phát triển (đặc biệt là ở Tây bán cầu) kể từ những năm 1980.
Hiện, Haiti đứng thứ 149 trên 182 quốc gia trong chỉ số phát triển con người của LHQ. Khoảng 80% dân số đang sống trong cảnh nghèo đói, 50% dân số mù chữ, hơn 80% sinh viên tốt nghiệp đại học từ Haiti đã di cư, chủ yếu vào Mỹ. Khoảng 66% lao động của Haiti làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm chủ yếu là nông nghiệp tự túc quy mô nhỏ, nhưng hoạt động này chỉ chiếm 30% GDP. Xoài và cà phê là hai trong số các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Haiti.
Haiti luôn được xếp hạng cao trong số các quốc gia tham nhũng nhiều nhất trên thế giới về chỉ số nhận thức tham nhũng.
Viện trợ nước ngoài chiếm khoảng 30% - 40% ngân sách quốc gia của chính phủ. Các nhà tài trợ lớn nhất là Mỹ, tiếp đến là Canada và Liên minh châu Âu (EU). Từ năm 1990 - 2003, Haiti đã nhận được hơn 4 tỷ USD viện trợ. Riêng Mỹ đã rót cho Haiti 1,5 tỷ USD viện trợ.
Venezuela và Cuba cũng đóng góp nhiều cho nền kinh tế Haiti, đặc biệt là sau khi các thỏa thuận liên minh đã được gia hạn trong năm 2006 và 2007. Viện trợ của Mỹ cho Chính phủ Haiti đã bị cắt bỏ hoàn toàn trong giai đoạn 2001 - 2004 sau cuộc bầu cử năm 2000 dưới thời Tổng thống J.B.Aristide.
Sau chính biến quân sự lật đổ chế độ của Tổng thống J.B.Aristide năm 2004, viện trợ đã được phục hồi, và quân đội Brazil đã chỉ huy các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại đây. Chính trường Haiti đầy bất ổn, trong 100 năm qua đã thay hơn 50 nhà lãnh đạo, tổng thống.
Khó khăn chất chồng
Với một nền kinh tế èo uột như vậy, nay xảy ra trận động đất khủng khiếp, hàng trăm ngàn người chết và bị thương, 3/4 thủ đô Port-au-Prince đổ nát phải xây dựng lại hoàn toàn, 90% nhà cửa khu vực lân cận bị tàn phá, công việc tái thiết cần có nguồn vốn khổng lồ và thời gian kéo dài hàng chục năm. Ngày 25-1 tới, LHQ sẽ tổ chức Hội nghị các nước phối hợp hành động cứu trợ quy mô lớn, EU cũng chuẩn bị đưa ra dự án xây dựng lại Haiti từ đổ nát.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, với đặc thù chính trị, kinh tế xã hội hiện nay của Haiti, việc tái thiết sẽ gặp phải hàng loạt khó khăn. Những khó khăn trước mắt phải kể tới trước hết là vấn đề nhân lực để thực hiện việc viện trợ cho hàng triệu người đang đói khát, sống trong cảnh màn trời chiếu đất, để dọn dẹp đống đổ nát, khôi phục hệ thống cấp nước và chữa bệnh và phòng chống dịch truyền nhiễm lây lan… quá trình này phải mất tối thiểu 3 tháng. Kế đến, phải mất khoảng 3 tháng nữa để LHQ, các nước cứu trợ, Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức từ thiện đánh giá mức độ thiệt hại và nắm rõ hiện trạng các công trình cơ sở hạ tầng như cảng biển, bệnh viện, trường học, nhà ở, đường sá, hệ thống cấp điện, cấp nước…
Hiện nay người ta mới chỉ có thông tin về thiệt hại chủ yếu ở thủ đô Port-au-Prince mà không rõ các nơi khác ở Haiti tổn thất ra sao. Những khó khăn về lâu về dài là chính phủ hiện tại của Haiti hoàn toàn bất lực trong việc cứu trợ đồng bào của họ trong và sau khi động đất xảy ra, họ hoàn toàn không có cơ chế, hệ thống cứu hộ cũng như chiến lược ứng phó với thảm họa.
Chính Tổng thống Haiti, R.G. Preval, ngày 15-1 thừa nhận: “Chúng tôi hầu như mất hết các bộ trưởng, văn phòng tổng thống hiện đặt tại khu vực của sở cảnh sát”. Chuyên viên khu vực châu Mỹ của Mỹ Dan Ericson bình luận rằng, chính quyền Haiti không thể giúp gì cho người dân, người ta phải “tự cứu mình”. Sự bất lực của chính quyền dẫn tới tình trạng bất ổn nghiêm trọng trật tự xã hội, người dân thì hôi của hoặc giành giật từng miếng ăn, ngụm nước, các băng đảng và tội phạm vượt ngục thi nhau cướp bóc, bắn giết, thậm chí chúng còn tấn công cả kho lương thực dự trữ của LHQ và các đội cứu hộ quốc tế.
Những mưu toan của Mỹ
Chỉ 48 giờ sau khi xảy ra vụ động đất được coi là thảm họa lớn nhất trong vòng 200 năm qua, Tổng thống Mỹ B.Obama cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho Haiti đồng thời huy động lực lượng tàu chiến, tàu quân y tới khu vực Caribbean để tiến hành một trong những chiến dịch nhân đạo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ ở nước ngoài. Học giả nổi tiếng người Italia Lucio Caracciolo có bài phân tích cho rằng ông B.Obama hướng đến 3 mục tiêu chính:
Thứ nhất, không lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm G.W.Bush, đã tỏ ra lúng túng và bất lực trong việc giải quyết những hậu quả của đợt sóng thần tàn phá châu Á năm 2004 và cơn bão Katrina tàn phá chính nước Mỹ. Sai lầm của G.W. Bush đã khiến ông mất uy tín, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nước Mỹ.
Từ thảm họa sóng thần, bão Katrina cho đến những thất bại ở Iraq, B.Obama đã rút ra được bài học và giờ đây, thông qua chiến dịch nhân đạo với Haiti, ông B.Obama đang tìm cách thuyết phục thế giới về hình ảnh mới của nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông. Điều đó càng trở nên cấp thiết hơn, khi hình ảnh của Obama đã không còn “lung linh” như hồi mới đắc cử.
Hai là, thuyết phục thế giới rằng Mỹ không chỉ là siêu cường về kinh tế và quân sự mà còn có thể thành công trong việc thiết lập những liên minh quốc tế, quân sự lẫn kinh tế và cả trong hỗ trợ nhân đạo. Trong hoàn cảnh đó thì Haiti là một cơ hội “ngàn năm một thuở”, khiến nhiều người nghi ngờ: khi xảy ra những vụ động đất khác trên thế giới ở Tứ Xuyên, Trung Quốc và mới đây nhất ở Sumatra, Indonesia làm hàng trăm ngàn người chết và bị thương thì lúc ấy, Mỹ “trốn” đi đâu và bỗng nhiên nay lại tích cực đến thế khi xảy ra thảm họa Haiti?
Thông qua việc đứng đầu trong chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, Mỹ có cơ hội thuận lợi để áp đặt trở lại quyền lợi và sức mạnh cũng như các lợi ích của mình ở khu vực vốn được coi là sân sau của họ. Trung Quốc ở quá xa, trong số các nước châu Âu chỉ có Pháp là tích cực hỗ trợ, vì Haiti từng là thuộc địa của họ.
Cuối cùng, Mỹ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của các nước như Venezuela, Cuba, không cho các nước này mở rộng hơn nữa sự đe dọa lợi ích của Mỹ. Những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Venezuela H.Chavez khiến Mỹ hết sức lo ngại. Ông H.Chavez hứa sẽ cung cấp cho Haiti năng lượng, hỗ trợ nước này trong các dự án tái thiết cơ sở hạ tầng, trong một nỗ lực nhằm biến Haiti thành một điểm nối giữa Venezuela và Cuba trong một trục chống Mỹ ở Tây bán cầu.
Sự có mặt của Mỹ ở Haiti không chỉ giúp Washington lập lại được tình hình mà còn tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với chính thể của Cuba, khi Haiti ở ngay sát sườn Cuba. Điều đó giúp Mỹ củng cố lại vòng vây chống La Habana, đồng thời đe dọa lợi ích đang nhen nhóm của Nga và Trung Quốc trong việc hợp tác với Venezuela ở khu vực này.
(Theo SGGP)