Mặc dù đã gần cuối vụ thu hoạch tiêu năm 2018 nhưng hiện giá tiêu hạt vẫn tiếp tục giảm thấp. Mùa tiêu năm nay, không chỉ sản lượng giảm mà giá tiêu cũng giảm mạnh so với những mùa vụ trước khiến các gia đình trồng tiêu trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Năng suất, giá tiêu đều giảm sâu
Vụ tiêu năm nay, do thời tiết thay đổi bất thường khiến sản lượng tiêu của các gia đình trồng tiêu trong tỉnh sụt giảm. Không chỉ giảm về sản lượng, giá tiêu cũng giảm mạnh. Nếu như năm trước giá tiêu từ 100.000 - 120.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 55.000 - 65.000 đồng/kg. So với năm 2016, giá tiêu vụ mùa năm nay chỉ bằng 1/3.
Nông dân trồng tiêu gặp nhiều khó khăn khi giá, sản lượng tiêu giảm mạnh. Trong ảnh: Nông dân xã An Bình, huyện Phú Giáo thu hoạch tiêu. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Tại Bình Dương, diện tích trồng tiêu tập trung chủ yếu ở huyện Phú Giáo với hơn 400 ha. Giá tiêu giảm thấp, người trồng tiêu trong huyện gặp nhiều khó khăn khi chi phí chăm sóc, phân bón cho cây tiêu vẫn ở mức cao. Tuy vậy, những hộ gắn bó nhiều năm với cây tiêu vẫn cố gắng chăm sóc diện tích tiêu để giữ ổn định sản lượng và hy vọng tiêu sẽ sớm bước qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Ông Hồ Văn Dũng, nông dân xã Phước Sang, huyện Phú Giáo chia sẻ: “Năm nay thời tiết bất thường, mưa nhiều nên cây tiêu dễ bị nhiễm bệnh; thời điểm tiêu ra bông lại gặp mưa trái mùa nên tỷ lệ đậu trái thấp. Năng suất đã giảm, nay giá tiêu cũng giảm mạnh, trong khi chi phí thuê nhân công lại tăng nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, gia đình tôi đã gắn bó với vườn cây cả chục năm nay nên cũng phải tiếp tục chăm sóc vườn tiêu, hy vọng mùa sau bán được giá hơn. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, thay vì thuê người hái trái như trước đây thì nay gia đình tôi chủ động làm hết mọi việc”.
Anh Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo cho biết, năm 2016, diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện chỉ khoảng 340 ha, đến nay đã tăng lên hơn 400 ha. Diện tích trồng tiêu tăng lên, nhưng những năm gần đây giá tiêu liên tục sụt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân. Về phía đơn vị, luôn tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân nhằm khuyến khích bà con giữ diện tích trồng tiêu đang có, không mở rộng diện tích trong thời gian này.
Tăng cường hỗ trợ nông dân trồng tiêu
Để hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển và gắn bó với cây tiêu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình tưới nhỏ giọt trên cây tiêu theo hướng GAP với 4 điểm trình diễn trên địa bàn các xã An Bình, Phước Sang, An Linh và An Thái của huyện Phú Giáo. Kết quả bước đầu cho thấy, hệ thống tưới này đã giải quyết được những khó khăn về nước tưới, giúp nông dân tiết kiệm được 50 - 60% lượng nước tưới mỗi ngày, giảm được 80 - 90% công lao động vì không tốn công đào mương dẫn nước tưới cho từng cây như cách tưới thủ công, không phải làm bờ quanh gốc cây để giữ nước mà vẫn giữ được độ ẩm thích hợp cho vườn cây. Hệ thống tưới tiết kiệm nước hoạt động bình thường và vận hành tưới 1 giờ/ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, bảo đảm cung cấp đủ lượng nước cho cây tiêu. Hiện mô hình này đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục theo dõi và sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Mặc dù giá tiêu giảm sâu trong 3 năm gần đây nhưng ngành tiêu trong nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn để giữ sản lượng xuất khẩu chiếm gần 60% tổng sản lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, nguyên nhân khiến giá tiêu giảm mạnh là do nguồn cung dồi dào, thị trường bị ảnh hưởng bởi thương lái từ Trung Quốc. Chính vì vậy, trong quy hoạch phát triển hồ tiêu bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện chủ trương phát triển hồ tiêu dựa trên nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; phát triển cây tiêu theo hướng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không theo quy hoạch. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chọn giống và chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu.
Hiện nay, trước những khó khăn về giá, vấn đề sản xuất sạch, nâng cao chất lượng hạt tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và phát triển cây tiêu theo quy hoạch, bên cạnh nỗ lực của ngành nông nghiệp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của những người trồng tiêu để ổn định sản lượng và giá cả hồ tiêu. Đối với tỉnh Bình Dương, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình UBND tỉnh xin phê duyệt triển khai thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2018- 2020. Mục tiêu của đề án là giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất làthuốc bảo vệthực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm, tăng hiệu quảsản xuất vàphát triển nông nghiệp bền vững góp phần thực hiện chủtrương tái cơ cấu ngành trồng trọt trong giai đoạn từnay đến năm 2020 vàtầm nhìn xa hơn. Riêng đối với cây tiêu, tỉnh phấn đấu có 85% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 80% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 50% và tăng hiệu quả sản xuất trên 15%.
Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, đến thời điểm này, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa kéo dài cuối vào thời điểm chuẩn bị ra hoa của mùa vụ 2018 nên năng suất, sản lượng giảm từ 30 - 40% so với năm trước. Trong quý I-2018, cả nước xuất khẩu khoảng 54.000 tấn hồ tiêu với kim ngạch khoảng 204 triệu USD. So với quý I-2017, số lượng hồ tiêu xuất khẩu không tăng nhiều (hơn 5%) nhưng kim ngạch lại giảm mạnh (36,8%).
Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo, trong mùa vụ thu hoạch nông dân không nên bán ra ồ ạt khi giá thấp; không phát triển trồng mới, giảm diện tích tiêu ở những vùng mà điều kiện canh tác không phù hợp với cây tiêu để chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với người nông dân để tạo vùng nguyên liệu bền vững và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân…
QUỲNH NHIÊN