Hàn Quốc: Trẻ đa văn hóa khó hội nhập

Cập nhật: 06-06-2013 | 00:00:00
Những năm qua, tỷ lệ nam giới Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài ngày một tăng, khiến số lượng các gia đình đa văn hóa tại xứ kim chi cũng tăng nhanh chóng. Trẻ em sinh ra tại những gia đình này đang đối mặt với thực tế - gặp nhiều trở ngại khi học tại các trường công ở Hàn Quốc.

  Một lớp học có trẻ đa văn hóa tại tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.    Nỗi khổ “con lai”

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, số lượng trẻ em đến từ gia đình đa văn hóa tại các trường học ở Hàn Quốc đã tăng từ 9.389 trẻ/năm 2006 lên 46.954 trẻ/năm 2012. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 50.000 vào năm nay và 55.000 vào năm 2014 nhưng việc đảm bảo cho các trẻ em này học được ở trường công là vấn đề khiến các nhà chức trách đau đầu.

Chào hỏi là ngôn từ duy nhất mà cậu bé (15 tuổi, người Trung Quốc) biết khi đến Seoul vào mùa hè năm ngoái cùng với mẹ - một phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc. Nhưng thậm chí, sau 6 tháng học tiếng Hàn tại một trường dành cho trẻ đa chủng tộc, việc hòa nhập vào hệ thống trường học chính thức ở Hàn Quốc vẫn vô cùng khó khăn. Sau một thời gian ngắn vào học trường công gần nhà, cậu bé đã sớm chuyển về trường chuyên biệt. Trong lớp, em bị tụt hậu xa so với bạn bè. Hạn chế ngôn ngữ khiến lực học giảm sút và gốc gác đa chủng tộc cũng khiến cơ hội giao tiếp trở nên hạn chế. Mẹ cậu bé tỏ ra phiền muộn khi trả lời phỏng vấn tờ Korea Herald: “Thầy giáo nói rằng, thằng bé toàn ngồi một chỗ và không mở miệng với ai!”. Bà đang lo âu về việc học của con trai mình, bởi lẽ học ở trường công bao giờ chất lượng cũng tốt hơn và quan trọng hơn cả là nếu học ở trường chuyên biệt, cơ hội giao lưu với người bản địa của con bà sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Trường hợp của cậu bé người Trung Quốc không phải là cá biệt. Thậm chí, nhiều trẻ em sinh ra tại các gia đình đa chủng tộc, lớn lên tại Hàn Quốc cũng bị “hụt hơi” với hệ thống trường công ở xứ kim chi. Tuy không phải đa số các em đều có sự mặc cảm về nguồn gốc “con lai” nhưng vốn sinh ra trong một gia đình đa văn hóa vô hình trung đã tạo một bức tường vô hình khi hòa nhập với xã hội Hàn Quốc, vốn coi trọng sự đồng nhất về sắc dân.

Gần đây, dù đã có cái nhìn thiện cảm hơn với những trẻ em sinh tại gia đình đa văn hóa nhưng sự kỳ thị tại xứ kim chi vẫn chưa thể xóa bỏ. Báo chí Hàn Quốc đã nêu những trường hợp thương tâm. Ví dụ như câu chuyện một giáo viên người Mỹ tại một trường tiểu học ở quận Nowon-gu, phía Bắc Seoul, kể lại những gì đã xảy ra khi cô bày trò bắt bóng để giúp học trò mau chóng hiểu bài. Khi ấy, hễ ai có bóng phải ném nó đi và đổi chỗ ngồi với người bắt bóng. Tất cả các em đều hồ hởi tham gia, trừ một học trò mang hai dòng máu Nhật - Hàn, thường bị chúng bạn gọi là “đứa bẩn thỉu”. Đồng nghiệp người Hàn của cô nói rằng, những đứa trẻ này thường “chậm chạp hơn” hay “không sạch sẽ” và thường xuyên bị bạn loại ra một bên. Một câu chuyện đau lòng được Korea Herald miêu tả vào hồi năm ngoái, một thiếu niên Hàn lai Nga bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi liên quan đến hàng loạt vụ đốt phá nhà cửa và trường học. Theo lời khai của cậu, cậu mồ côi cha từ lúc bé, bị mẹ ruột ghẻ lạnh, còn bạn bè lúc nào cũng chế giễu vì vẻ ngoài khác lạ. Chính sự phân biệt đối xử này đã biến cậu trở thành một đứa trẻ lì lợm, thích nghịch phá và trở thành một kẻ gây rối khi còn chưa đủ tuổi vị thành niên.

    Chậm trễ đáp ứng nhu cầu

Ông Koh Seon-ju, thuộc Văn phòng Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc, cho biết: “Nhiều năm qua, mọi người luôn xem Hàn Quốc là một quốc gia thuần chủng. Vì vậy, hiện tượng đa văn hóa ngày càng tăng mạnh, khiến nhiều người cho rằng nó đã trở thành mối đe dọa đến tính thuần chủng của dân tộc”. Giới truyền thông Hàn Quốc từng nhiều lần kêu gọi người dân nên mở rộng các khái niệm về người thuần Hàn Quốc thay vì cứ chăm chăm soi mói vào nguồn gốc của những người đến từ các gia đình đa văn hóa. Cũng có ý kiến cho rằng, Hàn Quốc nên học tập Mỹ, quốc gia có kinh nghiệm giải quyết vấn đề nhập cư. Tại Mỹ, Anh ngữ là chương trình ngôn ngữ thứ hai từ lâu đã được dạy trong hệ thống giáo dục công lập nhằm đáp ứng cho trẻ em nước ngoài tới Mỹ. Hiện chương trình này được giảng dạy tại toàn bộ các trường công lập từ nhà trẻ tới trung học.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang có những nỗ lực cụ thể khắc phục hiện trạng trên. Năm ngoái, ngành giáo dục Hàn Quốc đã bắt đầu đưa vào giảng dạy các lớp dạy tiếng Hàn cho những trẻ em đa sắc tộc mới vào học, cho phép trang bị kiến thức ngôn ngữ cần thiết để tiếp thu chương trình giáo dục chung. Tuy nhiên, kế hoạch này đang có sự chững lại trong giai đoạn chuyển tiếp chính phủ kể từ cuộc bầu cử tổng thống. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tăng số trường “dự bị” để trẻ có thể học ngôn ngữ và văn hóa căn bản trước khi vào hệ thống trường công. Hiện có 26 trường dự bị dành cho trẻ đa sắc tộc trên cả nước, mỗi trường có năng lực tiếp nhận khoảng 60 - 90 học sinh. Theo kế hoạch sẽ có thêm 24 trường vào cuối năm nay nhưng dường như vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu. Năm 2012, tại Seoul, có 1.219 trẻ đa sắc tộc nhưng chỉ có 68 trẻ được vào học trường dự bị.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=356
Quay lên trên