Hàng hóa xuất khẩu: Doanh nghiệp sơ suất nhỏ, thiệt hại lớn

Cập nhật: 20-03-2018 | 07:51:11

Ngoài các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành sản xuất của nước mình, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật… yêu cầu rất cao về sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Thực tế thời gian qua cho thấy, có không ít DN tại Bình Dương đã phải trả giá khi không đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các nhà nhập khẩu.

Tuân thủ nghiêm yêu cầu của đối tác

Mới đây, một công ty gỗ tại TX.Tân Uyên đã phải bồi thường hợp đồng cho một DN nhập khẩu từ Mỹ vì lô bàn ghế làm sai quy cách (hụt 0,4cm so với hợp đồng). Hơn 3.000 bộ bàn ghế của công ty này sau khi xuất khẩu sang Mỹ bị đối tác trả hàng về chỉ vì sơ suất không kiểm tra kích thước sản phẩm đúng hợp đồng trước khi gia công hàng loạt.

Các nhà nhập khẩu yêu cầu cao về sản phẩm từ đối tác trong nước. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt. Ảnh: XUÂN VĨ

Lãnh đạo một DN trên địa bàn tỉnh có hàng chục năm làm ăn với các nhà nhập khẩu nước ngoài chia sẻ, phía đối tác thường yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm; sản phẩm phải đồng nhất 100% về chất lượng, theo đúng sản phẩm mẫu đó được thể hiện trên hợp đồng thương mại. Chất lượng sản phẩm không đồng nhất có thể dẫn tới đối tác hủy bỏ hợp đồng. Trong các đơn hàng, các nhà nhập khẩu có thể yêu cầu những thay đổi nhỏ trong sản phẩm và yêu cầu đối tác phải có thay đổi nhanh chóng để cho ra những sản phẩm đồng nhất. Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu còn mong muốn đối tác áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt cho biết, mỗi năm công ty xuất khẩu hàng chục ngàn tấm thớt sang thị trường Mỹ. Thị trường này yêu cầu nguyên liệu làm thớt phải có nguồn gốc hợp pháp, dăm gỗ từ thớt có thể tiêu hóa, không gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu từ Mỹ cũng yêu cầu khắt khe về xử lý mối mọt trong gỗ thớt, tỷ lệ véc-ni, sơn phủ bóng…

Nắm rõ thị trường để có giải pháp phù hợp

Giữa những năm 1990, loại bọ cánh cứng xuất hiện tại Mỹ, nguyên nhân là do ấu trùng ẩn chứa bên trong bao bì gỗ nhập từ Trung Quốc. Kể từ đó, loại bọ này lan rộng, gây ra tổn thất nhiều triệu USD cho ngành lâm nghiệp Mỹ. Đây cũng là lý do phía đối tác Mỹ yêu cầu hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam phải tuân nghiêm ngặt quy định về bao bì, đóng gói… để ngăn chặn côn trùng ngoại lai ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của mình.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long cho biết, hàng gốm sứ, ngoài việc phải tuân thủ quy định về tỷ lệ hóa chất, men… trong sản phẩm, bao bì đóng gói (chủ yếu là pallet gỗ) cũng phải tuân thủ các quy tắc về xử lý mối mọt, chống mốc… rất khắt khe từ các nhà nhập khẩu. Nhà nhập khẩu luôn yêu cầu gỗ đóng pallet phải được xử lý kỹ càng, bảo đảm không có các ổ mối mọt, bọ cánh cứng. Đối với công ty, thời gian qua, hàng hóa sau khi được đóng gói bằng pallet gỗ tiếp tục được xử lý thêm một lần nữa để chắc chắn mức độ an toàn mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Công việc này tốn khá nhiều chi phí của DN, nhưng để giữ vững và phát triển trên thị trường xuất khẩu đòi hỏi các DN phải đầu tư.

Theo các chuyên gia, trong các hàng rào phi thuế quan, hệ thống rào cản kỹ thuật được xem là một những công cụ để bảo vệ hàng hóa sản xuất của nước mình. Hệ thống rào cản kỹ thuật được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau song nó đều liên quan tới các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, công nghệ, quá trình từ khi sản xuất cho đến đóng gói, vận chuyển, bảo quản… Thực tế cho thấy, các hàng rào kỹ thuật này đang gây khó cho hàng hóa của nước ta xuất khẩu vào EU, Mỹ, nhất là các mặt hàng có thế mạnh của nước ta như thủy sản, may mặc, da giày, gỗ, thủ công mỹ nghệ…

Có thể thấy, tự do thương mại đang là xu thế chung hiện nay; hàng hóa sản xuất trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng có nhiều cơ hội mở rộng thị phần nhưng vẫn vấp phải rào cản từ hàng rào kỹ thuật của các nước. Tìm hiểu thật kỹ thị truờng, hiểu rõ hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đang áp dụng là việc các DN trong nước cần làm để có giải pháp phù hợp, hiệu quả mở rộng thị trường xuất khẩu.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=433
Quay lên trên