Tăng trưởng GRDP quý I-2023 của Bình Dương chỉ đạt 1,15%, mức tăng trưởng thấp nhất của tỉnh trong 2 năm trở lại. Để kinh tế của tỉnh sớm phục hồi, duy trì đà tăng trưởng cao, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, chuyên gia, doanh nghiệp (DN)… nghiêm túc nhìn lại những khó khăn, vướng mắc và thẳng thắn đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NGỌC THANH
Nhìn thẳng thực tế để tìm giải pháp
Sáng 4-4, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế quý I, nhiệm vụ giải pháp quý II- 2023. Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết sau 2 năm cố gắng vượt qua đại dịch Covid-19, kinh tế Bình Dương dần phục hồi mạnh trở lại trong năm 2022. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, kinh tế của tỉnh một lần nữa lại rơi vào khó khăn. GRDP của Bình Dương trong quý I chỉ tăng 1,15% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của tỉnh trong 2 năm trở lại đây, đưa Bình Dương vào danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước. Trước tình hình này, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ban ngành, chuyên gia, DN… cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và thẳng thắn đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2023.
Phân tích nguyên nhân tăng trưởng thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Phạm Trọng Nhân cho biết ngoài việc bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới, kinh tế tỉnh đang gặp nhiều khó khăn còn bởi tình hình trong nước. Theo đó, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn; nợ xấu nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; DN trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh…
Gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hẹp sản xuất, rất cần sự hỗ trợ kịp thời để phát triển mạnh trở lại
Trong quý I-2023, mặc dù DN đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh, sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khăn, một số DN hoạt động chậm lại, nhất là ngành gỗ, may mặc, giày da...
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ tình hình kinh tế khó khăn thấy rõ khi doanh thu xuất khẩu gỗ của tỉnh giảm 41,5%. Các khách hàng Mỹ và châu Âu liên tục phá sản nên ngành gỗ đối mặt khó khăn hơn trong thời gian tới. Ông Liêm đề nghị để DN ngành gỗ bớt khó khăn, các dự án đầu tư công của tỉnh tới đây nên xem xét đặt hàng cho các DN trong tỉnh, trong nước, thay vì các DN nước ngoài. Bà Trương Thị Thúy Liên, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cũng cho biết có rất nhiều vấn đề đang làm DN khó khăn, trong đó cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây mất thời gian.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành và Liên đoàn DN tỉnh, hiệp hội các ngành hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đề xuất nhiều ý kiến để kinh tế của tỉnh phục hồi trở lại trong những quý còn lại của năm.
Cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công
Nhận định tình hình kinh tế của tỉnh trong quý I, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh tăng trưởng quý I-2023 của tỉnh không như kỳ vọng, song cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Thu hút FDI được 440 triệu đô la hay Vùng thông minh Bình Dương tiếp tục được vinh danh Top 21 Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) là những vệt sáng trong bức tranh tăng trưởng của tỉnh. Dư địa vẫn còn, nhưng không thể cứ nói chung chung. Các sở, ngành, DN cần phải thẳng thắn nhìn lại nội tại của bản thân để hành động. Bình Dương hoàn toàn có thể vực dậy nền kinh tế nếu giải quyết được các điểm nghẽn. Trong đó quan trọng là phải giữ động lực tăng trưởng về vốn, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đến hết quý II-2023, tỉnh phải giải ngân được 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt từ 30 - 35%). Các dự án đầu tư công phải tính toán hướng đến sử dụng hàng hóa nội địa, đẩy nhanh phê duyệt các dự án chuyển đổi số, số hóa các thủ tục hành chính hướng đến bệnh viện thông minh, trường học hạnh phúc. Các ban chiếm tỷ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm, chủ đầu tư phải thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc để giải quyết.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: “Cần nhìn nhận khách quan những vấn đề của quý I, từ đó đề ra những giải pháp, kế hoạch, cho những quý còn lại của năm 2023. Các sở, ngành, địa phương, các DN, các hiệp hội cần tiếp tục phát huy hơn nữa tính năng động sáng tạo vốn có của Bình Dương để hành động quyết liệt hơn. Tôi tin Bình Dương hoàn toàn có thể vực dậy nền kinh tế nếu khơi thông được các điểm nghẽn. Nếu chúng ta quyết tâm, đồng hành, chia sẻ, tất cả khó khăn đều có thể giải quyết”.
NGỌC THANH