Về với miền yêu thương
6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Thị đoàn Thuận An và bắt đầu cuộc hành trình đến với Trung tâm Giáo dục Lao động - Tạo việc làm xã Tam Lập (Phú Giáo). Vượt hơn 60 cây số, đoàn chúng tôi có mặt tại trung tâm. Cảm nhận đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh biếc. Khuôn viên trung tâm nằm dựa lưng vào cánh đồi, diện tích khoảng 3,8 ha. Trung tâm có khoảng 650 học viên (HV) đang học tập, lao động, cai nghiện. Các HV chăm chỉ lao động, quấn linh kiện điện tử
Sau 15 phút chuẩn bị, mọi việc đã sẵn sàng. Những phần quà lưu niệm của các cơ sở Đoàn gửi tặng trung tâm tuy ít nhưng đó là cả tấm lòng nhân ái, sẻ chia. Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc trung tâm xúc động nói: “Thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên, HV trung tâm chân thành cảm ơn tình cảm của các bạn ĐVTN. Chính sự cổ vũ tinh thần của các bạn là niềm động viên để mỗi cán bộ, nhân viên, HV ra sức hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện, cảm hóa người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, tạo dựng cuộc sống mới”.
Không khí trong hội trường nóng lên bởi những bài hát sôi động của ĐVTN. Nương theo tiếng nhạc, một số HV cất cao giọng hát, 2 tay vỗ đều hòa theo khúc nhạc êm đềm. Chương trình “Tuổi trẻ chung tay hành động phòng chống ma túy HIV/AIDS” do TX.Thuận An phối hợp với TX.Thủ Dầu Một, Công an tỉnh tổ chức thực hiện với các tiết mục văn nghệ, hái hoa dân chủ, giao lưu bóng đá, bóng chuyền, vượt chướng ngại vật, thổi nến... đã kéo họ lại gần hơn. Nhiều HV dần dần cảm nhận được sự thân thiện từ những bạn ĐV, họ cười nói rôm rả và không quên cháy hết mình vào những trò chơi dân gian. Sự mặc cảm, tự ti đã nhường chỗ cho tinh thần hòa đồng để tất cả cùng nắm tay kết đoàn thân ái từ trong sâu thẳm của tâm hồn.
HV Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Hôm nay là một ngày thật vui bởi chúng em không chỉ thỏa sức vui chơi, ca hát, xem văn nghệ mà còn được làm quen với các bạn ĐVTN. Em mong rằng các bạn hãy tránh xa ma túy, đừng vì ma túy mà hủy hoại tương lai của chính mình”.
Ngoài chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian, đoàn với hơn 100 ĐVTN chia nhỏ thành nhiều nhóm khác nhau, len lỏi vào đám đông, xóa tan không gian tĩnh lặng. Họ nhanh chóng cùng người bạn mới chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống về tác hại ma túy, truyên tuyền pháp luật, động viên HV an tâm học tập, chữa bệnh sớm hòa nhập cộng đồng.
Anh Lương Minh Tân, Bí thư Thị đoàn Thuận An cho biết, chương trình này đã thắp lên tình yêu thương, sự chia sẻ với những người không may lầm lỡ, động viên tinh thần các HV chăm chỉ học tập, lao động, chữa bệnh để sớm trở về hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới. Chính thực tế quan sát của người cán bộ, ĐVTN sẽ giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, hướng ĐVTN vào việc làm có ích, tránh xa tệ nạn, tích cực xây dựng các mô hình, CLB phòng chống ma túy, tiến tới xây dựng xã hội lành mạnh, không có người nghiện. Ngoài cuộc vận động “3 không với ma túy” là không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và không dung túng bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy, tuổi trẻ TX.Thuận An còn phối hợp với các cơ sở Đoàn trong toàn thị xã xây dựng câu lạc bộ vì tương lai, hòm thư tố giác tội phạm nhằm vận động ĐVTN tích cực tham gia tố giác, cung cấp nguồn tin có giá trị giúp cơ quan chức năng kịp thời phá án, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán ma túy trái pháp luật”.
Vượt lên chính mình
Xúc động hơn trong cuộc hành trình chung tay phòng chống ma túy HIV/AIDS, chúng tôi còn được gặp một số HV không may sa vào ma túy. Ở họ, mỗi người là một hoàn cảnh đẩy đưa, người thì đến với ma túy để giải sầu, người thì tò mò, người khác lại “chơi vơi” trong cuộc sống khi cha mẹ đột ngột qua đời. Giờ đây, trước kỷ luật nghiêm khắc của trung tâm, họ luôn tâm niệm cải tạo thật tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bạn Trần Kim Hằng, HV 06 quê Bình Phước là một trong nhiều điển hình. Sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả nên Hằng được ba mẹ rất cưng chiều. Học đòi theo bạn, Hằng tìm đến ma túy để thể hiện mình. Tiền đóng học phí, ăn sáng, tiêu vặt đều nướng vào chất bột trắng. Biết con gái mình có những triệu chứng bất thường, mẹ Hằng đưa con đến gặp bác sĩ nhưng lúc này quá trễ. Ba mẹ đã giúp Hằng tự cai nghiện ở nhà nhưng không thành công, đành đưa lên trung tâm cai nghiện. Hằng tâm sự: “10 ngày trong phòng cắt cơn là quãng thời gian em thấm thía giá trị to lớn của cuộc sống. Chính tình yêu thương của gia đình, sự quan tâm của cộng đồng, xã hội đã giúp em có định hướng đúng đắn, sống có trách nhiệm hơn với bản thân và gia đình. Em mong rằng các bạn trẻ đừng sa vào con đường ma túy như em bởi nó sẽ hủy hoại cuộc sống của chính mình”.
Còn Lý Văn Hùng sa vào ma túy như một sự cứu cánh trong suy nghĩ non nớt của một cậu bé 14 tuổi. Ba mẹ mất trong tai nạn giao thông, 2 anh em Hùng trở thành những đứa trẻ mồ côi. Em gái của Hùng được người cô đưa về Bình Phước ở. Hùng sống trong ngôi nhà lạnh lẽo, ngày ngày nhìn lên di ảnh của ba mẹ mà nhớ thương da diết. Cô đơn, buồn tủi Hùng trở thành nô lệ của ma túy. Tự nhận ra mình đã quá sa ngã, Hùng lên công an phường trình báo sự việc và xin vào trung tâm cai nghiện. Xem nơi đây như ngôi nhà của mình nên Hùng thường xuyên giúp đỡ HV mới cắt cơn, chia sẻ một phần thức ăn của mình cho các bạn yếu, tham gia dạy học xóa mù chữ do trung tâm tổ chức... “Ở đây em được học quấn linh kiện điện tử, mỗi ngày làm được từ 700 đến 800 cái. Em sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm gặp lại em gái và làm lại cuộc đời”, Hùng nói.
Phó Giám đốc trung tâm Nguyễn Tấn Phước còn giải thích: “Một ngày làm việc của các cán bộ, nhân viên trung tâm bắt đầu khá sớm bằng việc đi đến từng phòng trong ký túc xá, kiểm tra sức khỏe, tuyên truyền pháp luật, nắm bắt tâm lý của từng HV. Qua quá trình công tác, cán bộ, nhân viên ở đây luôn tự giác học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cái khó lớn nhất của trung tâm là số lượng HV quá nhiều trong khi đội ngũ cán bộ, nhân viên còn mỏng. Vào mùa khô trung tâm thường xuyên thiếu nước sinh hoạt”. Qua công tác tuyên truyền giáo dục, khám chữa bệnh kết hợp dạy nghề như quấn linh kiện điện tử, bốc hạt điều, chăm sóc cây cao su, trồng rau xanh... đã giúp cho HV cải tạo tốt, có định hướng cho cuộc sống bản thân. Đặc biệt với cách làm mới đã khuyến khích HV cải tạo tốt là việc khoán sản phẩm, hàng tháng có chế độ khen thưởng phù hợp. Vì vậy có rất nhiều HV về trước thời hạn cải tạo để xây dựng cuộc sống mới.
Hiệu quả từ mô hình phòng chống ma túy
Bà Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Thuận An cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng ma túy xâm phập vào công nhân, tiến tới thực hiện tiêu chí không có người nghiện trong cộng đồng đòi hỏi các cấp, ngành cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, đồng sức đồng lòng, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong các mô hình phòng chống ma túy, có thể kể đến Câu lạc bộ (CLB) Vì tương lai. Với mục tiêu “Vì một đô thị không ma túy”, sau gần 8 năm hoạt động, CLB đã cảm hóa giáo dục 32 TN sử dụng trái phép chất ma túy, 28 TN tự nguyện đi cai nghiện, 9 TN từ bỏ hẳn việc sử dụng ma túy, giáo dục 22 TN có hành vi chạy xe tốc độ cao lạng lách, đánh võng trên đường. Đặc biệt những năm qua, TN cai nghiện có chuyển biến tốt, một số đã từ bỏ hẳn ma túy, hòa nhập cộng đồng và có việc làm ổn định, trở thành tuyên truyền viên tích cực trong việc phòng chống ma túy như: anh Nguyễn Thành Thơm, anh Ngô Thanh Tú... cùng với công tác cảm hóa, giáo dục TN chậm tiến, CLB tích cực hưởng ứng phong trào, hành động cách mạng do Đoàn và Hội tổ chức, hướng TN vào những việc làm có ích cho cộng đồng, dân cư.
Từ thực tế của những chuyến đi, mỗi bạn trẻ lại càng trân trọng hơn cuộc sống của mình, quyết tâm chung tay hành động phòng chống ma túy, tiến tới xây dựng một đô thị không có người nghiện ma túy.
KIM HÀ