Gọi điện cầu cứu ông bà nội không xong, con giả vờ… ốm. Biết chuyện, em nổi giận và cho con ăn đòn.
Anh đi làm về, nhìn thấy con ngồi viết bản kiểm điểm, đôi vai con cứ run lên.
Cả tuần rồi nhà mình căng thẳng, bắt đầu từ chuyện em muốn cho con tham gia trại hè. Trong bữa ăn em kể: “Mấy chị ở cơ quan em, người cho con tham gia học kỳ quân đội, người gửi con vào trại hè do các trung tâm đào tạo kỹ năng sống tổ chức. Có chị năm ngoái cho con vào trại hè quân đội rồi năm nay lại tiếp tục. Chị ấy khoe vào đó con được rèn luyện kỷ luật, nền nếp đâu ra đấy”.
Rồi em bàn với anh cho con tham gia trại hè. Anh muốn hỏi ý kiến con xem sao rồi hãy tính. Tưởng con sẽ thích, nào ngờ vừa nghe nói con đã ngắc ngứ không chịu. Em ra sức thuyết phục con nhưng trước mặt bố mẹ, con rành rọt: “Con không thích đi đâu cả, bố mẹ cho con ở nhà. Con hứa sẽ không xem ti vi, sẽ giúp đỡ ông bà làm việc nhà, buổi chiều đi xe đạp và ra sân đánh cầu lông”.
Anh thấy con đã ý thức được công việc của mình nên đồng ý, em nghe vậy quay sang cáu anh: “Không thích đi thì phải ép nó chứ. Con người ta đi ầm ầm kia kìa. Cứ bám chân bố mẹ nên lớn tướng rồi mà có biết làm cái gì đâu, đến bữa ăn cũng còn phải hò, phải giục”.
Thuyết phục con không được, em quát mắng rồi đánh con.
Anh biết việc em muốn con tham gia trại hè là muốn tốt cho con. Em sợ nghỉ hè con ở nhà chơi nhiều, xem ti vi nhiều sẽ ảnh hưởng đến mắt của con, rồi còn những hệ lụy khác nữa. Dù không muốn xa con nhưng vì muốn con học cách sống tự lập để trưởng thành và mạnh mẽ hơn nên em dằn lòng.
Nhưng em ạ, có phải cứ vào trại hè thì con mới trưởng thành đâu. Con mình lớn mà chưa biết tự lập là vì vợ chồng mình bảo bọc con quá lâu và quá nhiều. Hai tuổi, trẻ con nhà hàng xóm ăn cơm nát, con nhà mình vẫn ăn cháo, dù mỗi lần nhìn thấy bát cháo là con lại quay mặt đi, có khi còn chui vào gầm bàn trốn. Biết là con chán cháo rồi nhưng em vẫn không chịu cho con ăn cơm.
Em sợ con chưa biết nhai, sợ con nôn trớ, sợ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của con. Con bốn-năm tuổi, em vẫn chưa để cho con tự xúc ăn, đến bữa vẫn kè kè cái bát bón cho con từng thìa. Ngay cả khi con đã vào lớp 1, thức ăn của con em vẫn còn cắt nhỏ như hồi con mới hai-ba tuổi. Bố mẹ các bạn thả con trước cổng trường, còn em thì theo con lên tận lớp. Ngay cả đôi dép xăng đan, bộ quần áo em cũng mặc sẵn cho con vì sợ con không làm được. Cứ thế lâu dần con trở thành một đứa trẻ thụ động.
Giờ con lớn, nhìn ra xung quanh thấy con mình thua kém nên em lo lắng, vội vã. Em muốn “uốn” con, hối thúc con theo kịp bạn bè và theo những mong muốn của em. Thầy giáo mỹ thuật bảo con có năng khiếu vẽ và khuyến khích bố mẹ hướng con theo con đường hội họa nhưng em lại muốn con sau này trở thành một nhà ngoại giao nên ép con phải dành thời gian nhiều để học tiếng Anh. Học ở trường rồi ở trung tâm kín mít cả ngày nghỉ. Nhiều hôm nhìn con đi học với khuôn mặt phụng phịu, mệt mỏi, anh tự hỏi không biết đến đó con học được gì. Nhiều lần trao đổi với em thì em lại gạt đi.
Việc con không tham gia trại hè cũng vậy. Em ép con nhưng con không thích thì liệu nó có hào hứng để theo đuổi hết khóa học không? Nếu em muốn con thay đổi, đâu nhất thiết phải bắt con tham gia trại hè, tự bản thân em cũng có thể làm được cơ mà. Hằng ngày, thay vì ôm đồm nhiều việc em hãy san sẻ với con, để con tập quét nhà, rửa bát, gấp chăn màn... Con thiếu nhiều kỹ năng sống nhưng không phải một khóa học có thể bổ sung, khỏa lấp đầy cho con được. Anh nghĩ kỹ năng sống là thứ phải tích lũy mỗi ngày mà những người thầy đầu tiên chính là bố mẹ của con. Và làm bất cứ điều gì cho con cũng nên bắt đầu từ con em ạ.
Vậy nên em đừng căng thẳng nữa nhé. Hãy cho con một mùa hè thoải mái, vui vẻ, để cho con được thực sự nghỉ ngơi, chơi đùa, được về quê thả diều, vùng vẫy trong làn nước biển xanh mát, quây quần trong vòng tay yêu thương của bố mẹ…
Theo PNO