Ảnh minh họa
Chị dâu của tôi lo lắng cho biết cậu con trai học lớp 5 của chị càng ngày càng có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, vài tháng gần đây cháu trở nên lầm lì và hay cáu gắt. Câu chuyện của chị dâu tôi khiến tôi nhớ đến 1 câu chuyện khác tương tự, bé Loan năm nay 6 tuổi, đang học lớp một. Hồi còn nhỏ, Loan khá vui vẻ, hoạt bát. Mấy tháng gần đây, bé tỏ ra buồn bã, ăn ít, khó ngủ và ngủ cũng rất ít, học hành sa sút. "Đến lớp, con tôi không thích chơi với bạn bè, giờ ra chơi chỉ ngồi một mình. Ở nhà, bé cũng trầm tính, tỏ ra thờ ơ với mọi thứ. Hình như không lúc nào tôi thấy cháu tỏ ra vui vẻ ngay cả khi được cha mẹ đưa đi chơi", mẹ bé kể.Cũng khổ sở vì bé Bích đứa con gái đầu lòng bỗng nhiên trầm cảm, ít nói, chị Huyền đã nhờ các thầy cô trong trường quan tâm đến bé hơn. Thế nhưng suốt hơn một năm qua, tình hình vẫn không được cải thiện. Người mẹ cho biết, năm ngoái chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời. Từ trước đến giờ người cha luôn quan tâm chiều chuộng con gái nhất nên khi anh mất, bé Bích trở nên buồn bã, ít nói, suốt ngày mở miệng gọi ba rồi khóc.
Theo các chuyên viên tâm lý, hiện tượng trẻ "buồn bã, lầm lì" có thể là biểu hiện của chứng trầm cảm. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên trầm cảm ở trẻ em: do di truyền, sự mất mát, chia ly, căng thẳng từ mối quan hệ trong gia đình, nhà trường hoặc ngoài xã hội…
Một chuyên gia cho rằng hiện nay có rất nhiều trẻ do không được ba mẹ quan tâm, giáo dục nên đành làm bạn với game. Game không những hạn chế khả năng tư duy mà những ấn tượng quá mạnh của nó còn rất có hại đến sự phát triển thị giác, thính giác của trẻ. Nhiều trẻ nghiện game có biểu hiện khó tiếp thu và trí thông minh thua xa những trẻ em bình thường khác khi thực hiện các bài tập. Bên cạnh đó, nhiều trẻ không được cha mẹ gần gũi, quan tâm có biểu hiện nhút nhát, khó hòa nhập...
Theo vị chuyên gia này, mỗi ngày cha mẹ chỉ cần dành 1 giờ để chơi đùa và dạy cho trẻ thì trẻ có thể đọc, hiểu trước 3 tuổi; mỗi ngày dành 5 phút để dạy cho trẻ học ngoại ngữ thì trẻ sẽ nói được nhiều ngoại ngữ khác nhau.
Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Mỹ cho thấy, hầu hết các ông bố dành ít thời gian chăm sóc con cái hơn người mẹ. Họ đã thống kê khá chi tiết về thời gian các ông bố dành cho con cái ở nhiều quốc gia.
Cụ thể ở Australia, các ông bố dành khoảng 69 phút mỗi ngày cho việc chăm sóc con cái. Ở Đan Mạch là 40 phút. Con số này ở Hàn Quốc chỉ còn 12 phút. Ở các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Ấn Độ, đàn ông ưu tiên thời gian cho con hơn, trung bình dành 4 đến 5 giờ vào việc nhà và chăm sóc con. Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hơn 2,5 giờ, Trung Quốc và Nam Phi khoảng 1,5 giờ mỗi ngày bố dành cho con.
Một buổi đi chơi ngắn với những món ăn tự tay các thành viên trong gia đình chuẩn bị để ngồi cùng nhau ăn trong một góc công viên thực sự là quãng thời gian thư giãn và chia sẻ lý tưởng. Thay vì ngồi xem truyền hình bằng ngồi kể những câu chuyện phiếm cũng khiến khoảng thời gian bên con thêm ý nghĩa và bảo vệ sức khỏe mọi thành viên.
Câu chuyện kể về cậu bé có người cha luôn bận rộn. Cậu bé tiết kiệm được một ít tiền. Một hôm, cậu rón rén đến bên người cha đang chăm chú vào máy vi tính và hỏi: “Con có thể mua ít thời gian của cha hay không?”.
Lúc đầu, ông bố lắc đầu và vẫn miệt mài với bàn phím như không để ý đến lời đề nghị của con. Nhưng rồi ông dừng lại trong giây lát, ôm con vào lòng và bế ra sân. Hai cha con vui vẻ chơi bóng rổ, cùng nhau vui cười... Khi trở vào nhà, cậu bé lấy chút tiền dành dụm ít ỏi đưa cho cha trong sự ngỡ ngàng của người cha.
Mỗi ngày, chúng ta dành bao nhiêu thời gian cho con? Khi có câu trả lời rồi, bạn sẽ biết cách làm cho cuộc sống gia đình mình ngày càng ấm áp, đầy ắp tiếng cười vui.
NGUYỆT HẰNG