Trong số báo trước, chúng tôi có bài viết nêu lên tình trạng con cái chọn ngành nghề theo nguyện vọng của cha mẹ, hoặc theo truyền thống gia đình. Một khi đã chọn ngành học không yêu thích, không phù hợp với năng lực, các em sẽ chán nản và chắc chắn con đường sự nghiệp sẽ không thành công trong tương lai. Ở đây, chúng tôi có góc nhìn khác, khi mà những học sinh giỏi được giáo viên bồi dưỡng theo kiểu nhồi nhét, với mong muốn các em đạt được thành tích cao ở các kỳ thi học sinh giỏi.
Mới đây, chúng tôi đã nghe một học sinh giỏi quốc gia bày tỏ nguyện vọng em muốn rút tên khỏi đội tuyển để tập trung học tập. Để đạt thành tích cao trong kỳ thi vừa qua, em phải học ngày học đêm, có những lúc thức đến gần sáng. Chưa kể em phải tạm thời “bỏ lơ” những môn học khác, vì không có nhiều thời gian. Trong khi đó, giáo viên vẫn muốn em tiếp tục được bồi dưỡng để đạt thành tích cao hơn. Sự mâu thuẫn này giữa thầy trò, cộng với áp lực học tập khiến em bị stress. Các bạn học cùng lớp kể rằng, có lúc em hét lên thật to để giảm bớt căng thẳng vì những áp lực dồn ép lên bản thân.
Ở một trường hợp khác, học sinh có năng khiếu môn học xã hội, nhưng sở thích của em là các môn tự nhiên. Khi thấy em đạt điểm cao ở môn xã hội, giáo viên đã đưa em vào đội tuyển. Kết quả kỳ thi học sinh giỏi em không đạt được như ý nguyện của giáo viên, và tình thầy trò có chút bị rạn nứt.
Qua 2 trường hợp trên cho thấy, đây đó bệnh thành tích vẫn còn tồn tại ở dạng này hoặc dạng khác. Tất nhiên, giáo viên nào cũng muốn các học trò của mình học giỏi, đạt được thành tích cao, nhưng các em học tốt một môn nào đó chưa hẳn là các em chọn và gắn chặt với sự nghiệp của mình trong tương lai. Hãy để các em sống trọn với đam mê của mình, có như vậy các em mới phát huy năng khiếu ở đỉnh cao nhất và tương lai sẽ thật sự vững chắc như ước mơ của các học sinh.
H.THÁI