Tình báo phương Tây từng hợp tác chặt chẽ với chính quyền nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi trong các chiến dịch bắt giữ và thẩm vấn nghi can khủng bố.
Các tài liệu vừa được tìm thấy tại văn phòng của cựu Ngoại trưởng Libya Moussa Koussa cho thấy nước này từng có quan hệ rất mật thiết với các cơ quan tình báo CIA của Mỹ và MI6 của Anh. Ông Koussa cũng từng là lãnh đạo tình báo của Libya nhưng đã rời bỏ chính quyền Gaddafi và chạy sang Anh hồi tháng 3.
Sau khi quân nổi dậy chiếm được thủ đô Tripoli cuối tháng trước, một tổ chức phi chính phủ được tiếp cận văn phòng của ông Koussa và phát hiện hàng trăm lá thư qua lại giữa ông và các điệp viên Anh, Mỹ.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trao đổi với nhà lãnh đạo Gaddafi trong chuyến thăm Libya năm 2004
Trại thẩm vấn
Sau khi Libya tuyên bố từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt vào năm 2004, quan hệ giữa nước này với tình báo phương Tây gần như công khai hoàn toàn. Tuy nhiên, tờ The New York Times ngày 3.9 dẫn các tài liệu mới cho hay hợp tác giữa hai bên chặt chẽ và sâu rộng hơn rất nhiều so với những gì được biết đến. Quan hệ hợp tác nồng ấm đến mức CIA từng đề nghị thành lập văn phòng thường trực ở Tripoli.
Quân nổi dậy bao vây Bani Walid
Theo AP, lực lượng nổi dậy Libya đã bao vây thành phố Bani Walid, cách thủ đô Tripoli 140 km về phía đông nam. Nơi này là một trong những ổ kháng cự cuối cùng của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Có nhiều ý kiến cho rằng ông Gaddafi đang ẩn náu tại đây.
Ngoài ra, phe nổi dậy cũng vừa thành lập Ủy ban An ninh tối cao nhằm bình ổn tình hình ở Tripoli, đồng thời gấp rút chuẩn bị tạo dựng chính phủ lâm thời. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cuba ngày 3.9 tuyên bố không công nhận Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia hay bất cứ một chính phủ lâm thời nào tại Libya.
Theo đó, các cơ quan tình báo phương Tây đã sử dụng Libya làm nơi tra tấn và thẩm vấn các nghi can khủng bố Hồi giáo. Sau khi bắt người tại một nước thứ ba, CIA chuyển đối tượng đến Libya và chính quyền nước này chịu trách nhiệm tra khảo theo yêu cầu của phía Mỹ. Thậm chí, CIA và MI6 còn chia sẻ với Tripoli về các thủ thuật thẩm vấn.
Trong số những người bị bắt và thẩm vấn có cả Abdel Hakim Belhadj, hiện là một lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) của phe nổi dậy, theo Reuters. Khi đó, Belhadj bị cáo buộc là một trong những người sáng lập và là lãnh đạo của tổ chức Chiến binh Hồi giáo Libya (GIC) có liên hệ với al-Qaeda. Belhadj bị CIA bắt vào năm 2003 rồi bị chuyển đến giam giữ tại nhà tù khét tiếng Abu Salim ở Tripoli.
Tờ Guardian dẫn các tài liệu cho biết khi đó CIA và MI6 đã “trả ơn” Tripoli bằng cách theo dõi các nhóm chống đối nhà Gaddafi. Cơ quan tình báo Anh còn cung cấp thông tin chi tiết về các đối thủ của ông Gaddafi đang sống tại nước này và sẵn sàng nghe lén điện thoại theo yêu cầu của Tripoli. Ngày 4.9, tờ The Sunday Times của Anh còn loan tin năm 2006, Tony Blair - Thủ tướng Anh lúc đó từng mời hai con trai của ông Gaddafi là Khamis và Saadi đến tham quan trụ sở Lực lượng đặc biệt SAS của nước này. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định “cuộc viếng thăm đã không diễn ra”.
“Không để bụng”
Phản ứng trước những thông tin trên, phát ngôn viên CIA Jennifer Youngblood ngày 3.9 tuyên bố: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi CIA hợp tác với các chính phủ để bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ khủng bố”. Về phía Anh, Ngoại trưởng William Hague từ chối đưa ra bình luận liên quan đến vấn đề này, theo Reuters.
Mặt khác, tờ The Independent nhận định những phát hiện mới càng làm đậm thêm nghi vấn về việc ông Koussa được phương Tây giúp tẩu thoát an toàn khỏi Libya và đang “hưởng phước” ở một nơi bí mật, dù ông này nhiều lần bị cáo buộc thủ tiêu các đối thủ của nhà Gaddafi trước đây.
Trong khi đó, lãnh đạo Belhadj của phe nổi dậy Libya tuyên bố ông “không để bụng” việc phương Tây từng giao mình cho chính quyền Gaddafi, nhưng ông có thể sẽ kiện CIA vì “bắt oan”. Tờ Los Angeles Times dẫn lời Belhadj nói thêm rằng ông đánh giá cao những hỗ trợ của NATO cho lực lượng đối lập từ khi nội chiến ở Libya nổ ra. Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định dù các bên liên quan cố giảm nhẹ tầm quan trọng của vụ việc, chắc chắn quan hệ giữa phương Tây với phe nổi dậy Libya vẫn phần nào bị ảnh hưởng.
Theo TNO