Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang đặt các doanh nghiệp (DN) trước cánh cửa hội nhập mới mà ở đó nhiều cơ hội được mở ra nhưng không ít những thách thức hiện hữu, đòi hỏi DN phải vững vàng để tận dụng hiệu quả cơ hội từ hiệp định thương mại tự do (FTA) này.
Sản xuất tại Công ty Ắc quy GS (KCN VSIP I)
Mở ra cơ hội
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, năm 2021 và nửa đầu năm 2022 là thời điểm khó khăn bởi tác động của dịch bệnh, cùng các diễn biến phức tạp về địa chính trị, chuỗi cung ứng trên thế giới. Trong bối cảnh như vậy, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đã phục hồi tích cực. Việc triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát huy hiệu quả.
Các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh dần ổn định và phát triển, các chỉ số kinh tế của ngành tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt gần 19,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,79 tỷ đô la Mỹ, giảm 5,8%; duy trì thặng dư thương mại gần 6,4 tỷ đô la Mỹ.
Từ góc độ thương mại hàng hóa, các DN Việt Nam nhìn nhận RCEP như là một con đường ưu tiên mới để thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là xuất nhập khẩu, với 14 đối tác trong khu vực. RCEP sẽ tạo ra một không gian cộng hưởng rộng lớn mà ở đó các dòng hàng hóa của DN Việt Nam có thể lưu chuyển thuận lợi, không rào cản về thuế quan và trong các khuôn khổ thống nhất, minh bạch và thuận lợi. “Vì vậy, với RCEP các DN sẽ có thêm một lựa chọn về thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên bên cạnh các ưu đãi theo các FTA đơn lẻ trước đây. Đặc biệt, nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa có nguyên phụ liệu nhập khẩu mà phần lớn là từ các nước trong khối của DN Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan trong RCEP cao hơn bất kỳ FTA nào đã có. Từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, nhất là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, NewZealand…”, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, chia sẻ.
Với nhập khẩu, các DN cũng có thêm con đường thuận lợi để tiếp cận nguồn cung nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị từ các nước trong khối RCEP với giá tốt hơn, cạnh tranh hơn, từ đó có thể tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Về các biện pháp phi thuế, các cam kết thống nhất giữa 15 nền kinh tế trong RCEP về hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại... sẽ giúp hạn chế tình trạng khác biệt rất lớn về cơ chế quản lý giữa các nước RCEP.
Hơn thế nữa, RCEP hiện là khu vực trọng điểm của nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, với sự có mặt của các đối tác nắm giữ vai trò trọng yếu trong các chuỗi này. Tham gia RCEP, DN Việt Nam mong sẽ có thêm cơ hội đáng kể để tham gia sâu hơn, hiệu quả và thực chất hơn vào các chuỗi này.
Dự lường thách thức
Nếu so sánh với 14 FTA, cùng với thuận lợi, RCEP được đánh giá là hiệp định đặt các DN Việt Nam trước thách thức cạnh tranh với cùng lúc nhiều đối thủ mạnh nhất. Nhiều nền kinh tế trong RCEP có cơ cấu tương tự Việt Nam, trong khi kinh nghiệm, nguồn vốn và sức cạnh tranh của họ lại tốt hơn nhiều DN của Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc và ASEAN. Sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà với các DN Việt Nam được dự báo là sẽ gay gắt và khó khăn hơn, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Với việc RCEP có hiệu lực, cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực cũng như lợi thế thu hút dòng FDI dịch chuyển của Việt Nam, nhưng cũng có thể sẽ gặp cạnh tranh nhất định khi các nước khác trong khu vực cũng sẽ có thêm lợi thế tương tự Việt Nam nhờ RCEP. Những thách thức này, đặt trong bối cảnh sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong khu vực, nếu không được xử lý hiệu quả, có thể sẽ dẫn tới những tác động bất lợi cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, với những bất lợi về nguồn lực cũng như năng lực cạnh tranh.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định sự chủ động của các DN ngay lúc này là rất quan trọng. VCCI đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng DN thông qua việc cung cấp các thông tin đầy đủ nhất, chi tiết nhất có thể cho DN về RCEP, về các FTA cũng như các cam kết hội nhập. VCCI cũng đang và sẽ giúp các hiệp hội DN, đặc biệt các hiệp hội ngành hàng trong công tác hỗ trợ DN hội nhập.
TIỂU MY - CẨM TÚ