Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực: Cần tận dụng tốt lợi thế

Cập nhật: 17-01-2019 | 21:39:47

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường khi các thành viên CPTPP đã bắt đầu thực hiện các cam kết giảm thuế.

 Ngành gỗ trong nước được đánh giá có nhiều thuận lợi khi CPTPP có hiệu lực Ảnh: PHÙNG HIẾU

 Dệt may, da giày có nhiều lợi thế

Thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt 36,809 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu đạt 37,669 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP đạt 74,478 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2018 (cả nước đạt 480,17 tỷ USD).

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có ưu thế khi xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản sang các bạn hàng trong CPTPP. Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, cho biết ngành dệt may trong nước được đánh giá là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt từ 8 -10%/năm trong thời gian tới. Lợi thế nhìn thấy được là sản phẩm dệt may của nước ta đang cần những thị trường lớn, tiềm năng như Australia, Canada, Chile… Chẳng hạn, thị trường Canada, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc sau 3 năm.

Nhiều ngành hàng vẫn gặp khó

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, một số mặt hàng nông nghiệp như thịt gà, thịt heo... trong nước khó thâm nhập thị trường CPTPP, bởi các thành viên có thế mạnh về nhóm hàng này. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực công nghiệp, các nhóm hàng giấy, thép, ô tô... - lĩnh vực mà Việt Nam còn hạn chế, sẽ gặp sự cạnh tranh rất gay gắt. Cùng với đó, với đặc thù số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 90% trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay cũng là vấn đề rất đáng lo vì các doanh nghiệp này nguồn lực tài chính, con người, công nghệ yếu, làm ăn còn manh mún…

Bên cạnh đó, thông qua CPTPP, doanh nghiệp trong nước sẽ có nguồn cung nguyên liệu, học hỏi công nghệ sản xuất và trình độ quản lý từ các nước tiên tiến thành viên của hiệp định, đồng thời sẽ tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành. Cụ thể, những nền kinh tế có thế mạnh về công nghiệp hỗ trợ sản xuất sợi, vải như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc chưa tham gia CPTPP đang chuyển mạnh sang đầu tư tại Việt Nam để hưởng lợi về ưu đãi thuế quan giảm dần về 0% khi CPTPP có hiệu lực.

Tương tự, sản phẩm da giày-túi xách cũng sẽ được hưởng lợi khi CPTPP có hiệu lực. Với các nước có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam rất tốt như thị trường Nhật Bản (chiếm 60%), nhiều doanh nghiệp kỳ vọng rằng khi thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ tăng mạnh mẽ. Thực hiện CPTPP, ngành da giày - túi xách trong nước không chỉ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu tốt mà còn thu hút được đầu tư phát triển nguyên phụ liệu và xây dựng các vùng nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hiệp định cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điều các doanh nghiệp may mặc, da giày - túi xách trong nước quan tâm nhất hiện nay chính là 80% nguyên liệu ngành nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP. Đây đang là khó khăn lớn cho các nhóm hàng xuất khẩu này.

Ngành gỗ không chủ quan

Ngoài may mặc, ngành gỗ trong nước cũng được đánh giá có nhiều lợi thế khi CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này khi hiệp định này có hiệu lực, trong đó các mặt hàng thủy sản, gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản) và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. Đây là hai bạn hàng lớn của Việt Nam đối với nhóm hàng dệt may, da giày, đồ gỗ...

Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt, cho hay ngay khi CPTPP có hiệu lực, các quốc gia thành viên đã cam kết xóa bỏ từ 80% dòng thuế trở lên và tiến tới mức thuế suất 0% cho tất cả nhóm hàng xuất khẩu sang các thị trường này. Những năm gần đây, ngành gỗ trong nước bắt đầu chinh phục thị trường châu Mỹ. Cho nên, khi CPTPP có hiệu lực, có thể thấy cơ hội để các doanh nghiệp gỗ trong nước mở rộng thị phần là rất lớn. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền sản xuất gỗ hiện đại của doanh nghiệp trong nước cũng sẽ thuận lợi hơn.

Có thể thấy, hàng năm Việt Nam tốn rất nhiều tiền để nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước. Quá trình phát triển công nghiệp của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đang đặt ra nhu cầu rất lớn về thay đổi cung cách sản xuất cũ lạc hậu. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ tân tiến. Tuy vậy, do chưa được hưởng mức thuế suất ưu đãi nên không ít doanh nghiệp chưa đủ vốn để đầu tư công nghệ mới, nên chưa tăng được khả năng cạnh tranh trên thị thường.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hầu hết các doanh nghiệp gỗ thành viên đã có sự chuẩn bị tốt để đón nhận thời cơ từ CPTPP. Một vấn đề quan trọng mà các thành viên CPTPP cam kết đó là bảo vệ môi trường. Theo đó, các mặt hàng được gọi là thân thiết với môi trường, kể cả hàng thủ công mỹ nghệ và hàng công nghiệp, sẽ được miễn thuế 0% khi Việt Nam nhập về từ các nước CPTPP sau ngày 14-1.

Đối với ngành gỗ trong nước, thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, các nước châu Âu để phát triển các vùng nguyên liệu hợp pháp phục vụ sản xuất đồ gỗ. Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng 60 - 70% nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ. Các chuyên gia đánh giá, khi CPTPP có hiệu lực, ngành gỗ sẽ có nhiều thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho biết, cả 30 chương của CPTPP chỉ là khuôn khổ, như là một luật chơi cơ bản mà mọi thành viên phải tuân theo. Ngoài ra, mỗi nước phải thương lượng với các thành viên khác, song phương hoặc đa phương, trong khuôn khổ 30 chương nói trên về mức miễn giảm thuế, mở cửa ngành nghề nào…Vì thế, muốn tìm hiểu CPTPP, không phải chỉ nghiên cứu gọn trong bộ hiệp định mà phải nghiên cứu cả những lá thư thỏa thuận (được gọi là SIDE LETTERS). Nhờ những SIDE LETTERS này mà Việt Nam đã đạt được thỏa thuận là có khả năng (cứ không phải chắc chắn 100%) sẽ không bị các nước trừng phạt kinh tế trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực nếu bị kết luận là đã vi phạm.

Hiện Canada đã đạt được hơn 41 SIDE LETTERS với 10 thành viên CPTPP khác, trong đó có 8 thư với Việt Nam về cam kết lao động, tự do internet và chỉ dẫn địa lý.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=413
Quay lên trên