Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân (HVND) có thêm nguồn lực để sản xuất, yên tâm sử dụng phân bón bảo đảm chất lượng trong nông nghiệp, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân.
Được cung ứng phân bón trả chậm nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất. Trong ảnh: Ông Hà Duy Hợp, ấp 3 xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên bón phân cho ruộng lúa của gia đình
Ý nghĩa thiết thực
Với vai trò là “cầu nối” trong sản xuất nông nghiệp, các cấp HND trong tỉnh đã liên kết với công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón để triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên. Ông Cao Hoàng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, cho biết: “Chương trình đã góp phần giúp nông dân yên tâm sản xuất, giảm bớt nỗi lo về tiền vật tư, phân bón mỗi khi bước vào mùa vụ, đặc biệt không còn lo phân bón giả, kém chất lượng. Điều đáng mừng từ khi triển khai chương trình mua phân bón trả chậm, bà con luôn thanh toán tiền đầy đủ, đúng thời hạn”.
Gia đình chị Mai Thị Phụng, ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội có 2.000m2 trồng cây bạc hà và 1.000m2 để trồng hẹ. Trước đây, mỗi một mùa vụ phải lo rất nhiều chi phí để làm đất, giống và mua phân bón. “Nhờ có chương trình mua phân bón trả chậm đã giúp gia đình khắc phục được khó khăn thiếu vốn đầu tư trước mắt. Bên cạnh đó, HND xã ký liên kết trực tiếp với công ty sản xuất phân bón, không phải qua nhiều khâu trung gian nên giá cả hợp lý, nguồn phân bón chất lượng. Với thời gian trả chậm không lãi suất từ 4 - 6 tháng, gia đình tôi cũng như bà con nông dân nơi đây rất vui mừng và yên tâm sản xuất. Giá phân bón khoảng 90.000 đồng/ bao tùy loại, mỗi một mùa vụ gia đình tôi sử dụng khoảng 20 bao, cây trồng phát triển xanh tốt và cho năng suất cao”, chị Phụng cho biết.
Chú trọng tuyên truyền
Nói về ý nghĩa của chương trình này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch HND tỉnh, chia sẻ triển khai chương trình nhằm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp, Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có liên quan đến trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã. HVND được hưởng thụ những chính sách ưu đãi, thuận lợi trong sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng nền nông nghiệp sạch, an toàn và bảo vệ môi trường. Các cấp HND trong tỉnh đã và đang triển khai giúp bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng phân bón chất lượng, giá cả hợp lý, kịp thời sản xuất đúng mùa vụ...
Để chương trình thực hiện ngày càng hiệu quả, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích để bà con nông dân nắm được và chủ động tham gia, vận động doanh nghiệp, cơ sở phân phối ưu đãi về giá và mở rộng số lượng cung ứng. Ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch HND xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ trên địa bàn xã có 3 cửa hàng vật tư nông nghiệp. HND xã tổ chức gặp gỡ, vận động các cơ sở hỗ trợ bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với hình thức trả chậm cho nông dân. Phân bón cho cây lúa kỳ hạn 3 - 4 tháng trả một lần không tính lãi; phân bón cho cây cao su, cây có múi kỳ hạn khoảng một năm lãi suất 1%/năm. Trung bình mỗi cửa hàng hỗ trợ bán phân bón với hình thức trả chậm cho người nông dân khoảng 100 tấn/năm.
Theo lãnh đạo HND tỉnh, trong thời gian tới, HND các cấp sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; ký kết hợp tác với các công ty, để triển khai thực hiện thí điểm các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... để hỗ trợ nông dân trên địa bàn yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế.
Những năm qua, HND các cấp đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như hỗ trợ vốn cho nông dân, xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ... Trong 6 tháng đầu năm, các cấp hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các đại lý, công ty bán trả chậm vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn gia súc, ngày công lao động giúp cho 194 HV nghèo, khó khăn phát triển kinh tế gia đình với tổng giá trị trên 6,3 tỷ đồng. Riêng, chương trình cung ứng phân bón trả chậm được trên 600 tấn với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng. (Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) |
TIẾN HẠNH