Dân vận khéo, tăng cường đối thoại, nâng cao tỷ lệ và chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)… chính là giải pháp hữu hiệu để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp (DN), hạn chế tình trạng đình, lãn công…
Chủ động đối thoại
Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tình hình tranh chấp lao động tập thể và đình công đã được giải quyết khá tốt, nhờ các cấp công đoàn đã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và đối thoại tại nơi làm việc. Cụ thể, thực hiện quy định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn các công đoàn cơ sở phối hợp, tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động (NLĐ) tại đơn vị. Kết quả đã có 776 đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đạt tỷ lệ 100%; 522 DN tổ chức hội nghị NLĐ (tăng 101 doanh nghiệp so với cùng kỳ 2017), 1.124 DN tổ chức 2.254 cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động với NLĐ tại nơi làm việc nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề thắc mắc của công nhân lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN (tăng 335 DN và tăng 1.249 cuộc đối thoại so với cùng kỳ 2017).
Tăng cường đối thoại và nâng chất các bản TƯLĐTT góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN. Trong ảnh: Công nhân một DN tại KCN Nam Tân Uyên trong giờ sản xuất
Bên cạnh đó, trong hoạt động tư vấn pháp luật, các cấp công đoàn đã tiếp và tư vấn pháp luật trực tiếp, tư vấn qua điện thoại 2.974 cuộc cho gần 5.971 lượt người. Riêng Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương đã tổ chức tư vấn 1.718 cuộc với hơn 2.971 lượt người, tư vấn trực tiếp được 863 cuộc, qua điện thoại 757 cuộc, qua mạng xã hội và email 45 trường hợp. Nội dung tư vấn là chế độ nâng lương, các chế độ bảo hiểm xã hội, phép năm, tiền lương, chế độ thai sản, trợ cấp thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Ngoài ra, trung tâm còn tham gia trả lời, tư vấn pháp luật lao động trên sóng phát thanh của Đài PTTH Bình Dương cho 53 lượt người với 111 tình huống cần tư vấn, hỗ trợ NLĐ viết đơn và hướng dẫn khiếu nại, khiếu kiện 142 trường họp, phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại và thống nhất kết quả đối với 13 vụ việc, đem lại quyền lợi cho 13 NLĐ theo quy định của pháp luật.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, đánh giá bằng những giải pháp trên, tình hình tranh chấp lao động tập thể và đình công có chiều hướng giảm. Thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định tại DN.
Nâng chất thỏa ước lao động tập thể
Để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định tại DN thì phải xây dựng các TƯLĐTT tại các DN. Tuy nhiên, đến nay TƯLĐTT vẫn là vấn đề mà các cấp công đoàn quan tâm, trăn trở. Bởi trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có 59 bản TƯLĐTT được ký kết mới và tái ký, nâng số TƯLĐTT đã ký kết toàn tỉnh là 1.405 bản (đạt tỷ lệ 55,14%). Ngoài việc tỷ lệ các DN ký TƯLĐTT còn thấp, thì chất lượng các bản TƯLĐTT cũng không cao. Bởi hiện nay, nhiều bản TƯLĐTT được làm chưa bài bản, thường để đáp ứng yêu cầu của bên thứ 3 (phía đối tác), chứ chưa thật sự đáp ứng tốt nhu cầu của NLĐ. Các bản TƯLĐTT chủ yếu đưa những điểm đã được pháp luật quy định, chưa đưa được nhiều những điểm có lợi cho NLĐ. Vì vậy, để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, không chỉ tăng thêm các bản TƯLĐTT, mà phải nâng cao chất lượng các bản TƯLĐTT với những điểm có lợi hơn nữa cho NLĐ. Anh Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Sao Việt, chia sẻ: “Những điều khoản có lợi cho NLĐ khi được đưa vào bản TƯLĐTT thì sẽ được người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những bản TƯLĐTT chất lượng hơn”.
TƯLĐTT đã góp phần bảo đảm quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của NLĐ tốt hơn; từ đó sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại DN trên địa bàn tỉnh.
THU THẢO