Sau khi các khu công nghiệp (KCN) phía nam đã cơ bản được lấp đ ầy, tỉnh tiếp tục phát triển các KCN phía bắc. Chủ trương này đang mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thu hẹp khoảng cách
Bình Dương đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng 3 tuyến đường tạo lực cho phát triển các KCN và đô thị của tỉnh gồm: Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Đồng Phú dài 20,3km; đường Phú Giáo - ĐT750 dài 14km và đường tạo lực Bàu Bàng - Phú Giáo dài 13km. Các tuyến đường này sẽ được xây dựng với quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 40,5m.
Các KCN phía bắc đang phát huy hiệu quả bằng việc thu hút rất nhiều vốn đầu tư FDI. Trong ảnh: KCN VSIP II - TX.Bến Cát. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Việc chú trọng đẩy mạnh đầu tư đường giao thông và cơ sở hạ tầng đồng bộ không những thu hẹp khoảng cách về mặt địa lý giữa khu vực thành thị và nông thôn mà còn là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Bởi các tuyến đường tạo lực này đi qua hầu hết các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trọng điểm phía bắc. Có thể kể đến như KCN Singapore Ascendas Protrade, Việt Hương 2, Tân Bình, Bàu Bàng, các CCN Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh Tuyền…
Ngày nay dễ dàng nhận ra sự đổi thay của Mỹ Phước, Phú An (TX.Bến Cát), Tân Thành (Bắc Tân Uyên), Lai Uyên (Bàu Bàng)… Sức sống mới đã thay đổi hoàn toàn ở những địa phương vốn từ trước chỉ phát triển chủ yếu nông nghiệp. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại những địa phương này.
Năm 2017, TX.Bến Cát có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 23,5% so với năm 2016, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, trong đó công nghiệp đạt tỷ lệ 80,6%, dịch vụ 18,9% và nông nghiệp 0,5%. Tổng giá trị sản xuất trên 115.700 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 93.200.000 đồng/người/năm
Giá trị sản xuất công nghiệp huyện Bàu Bàng đạt 11.420 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2016. Đó là những tín hiệu rất khả quan cho chiến lược đưa các KCN, CCN về phía bắc. Không những thế khu vực này đang là điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư
Thu hút mạnh vốn FDI
Đến nay, các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 và 4 đã thu hút hơn 400 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 3 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào đây, như Tập đoàn Kumho Asiana, chuyên sản xuất vỏ xe ô tô đầu tư 360 triệu USD; Công ty Giấy Graft Vina đầu tư 180 triệu USD; Tập đoàn Maruzen Foods Corporation đầu tư 104 triệu USD; Công ty TNHH Tomoku Việt Nam đầu tư gần 50 triệu USD…
Mới đây, KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) đã tiếp nhận dự án công nghiệp phụ trợ rộng 400 ha, có vốn đầu tư lên đến 274 triệu USD của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (sẽ nâng lên 1 tỷ USD vốn đầu tư sau khi hoàn thành các giai đoạn)… Huyện Bắc Tân Uyên cũng thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đó có hơn 100 triệu USD vốn đến từ các doanh nghiệp FDI.
Chiến lược phát triển các KCN và CCN phía bắc cho thấy chủ trương đúng đắn của tỉnh nhà, bằng chứng là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương “Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020” . Trong đó hầu hết các khu, CCN phía bắc của tỉnh sẽ được tăng diện tích, như KCN Lai Hưng từ 400 ha lên 600 ha, KCN Cây Trường từ 300 ha lên 700 ha, KCN Nam Tân Uyên từ 620 ha lên 966 ha, KCN Rạch Bắp từ 279 ha lên 639 ha, KCN Việt Hương 2 từ 250 ha lên 262 ha… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp
Việc hình thành các KCN ở phía bắc đã giúp tỉnh thu hút mạnh vốn đầu tư phát triển công nghiệp và đô thị làm thay đổi rõ nét bộ mặt các địa phương này. Tỉnh nhà sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư từ xã hội để làm nền tảng phát triển công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển giao thông nối kết vùng; nâng tầm dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư...
XUÂN VĨ