Hình thành các trụ cột kinh tế

Cập nhật: 11-05-2015 | 08:08:40

“Đất này không thiếu những anh hùng, họ gan dạ, mưu trí đánh giặc để bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang. Cái lạ của những anh hùng đó là ít có ai được học hành trường lớp nhưng lại đánh thắng kẻ thù được đào tạo bài bản và mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Đất nước thống nhất, những người lính trở về tiếp tục chiến đấu ở mặt trận mới là xây dựng và phát triển quê hương. Làm kinh tế tuy khó khăn, phức tạp nhưng nếu được quản lý, giáo dục tốt thì khó khăn thế nào cũng có thể vượt qua”, ông Huỳnh Văn Thu (Bảy Thu), nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Cát tâm đắc nói.

 

Một góc Thành phố mới Bình Dương hôm nay. Ảnh: D.CHÍ

 Đất nghèo nuôi những anh hùng

Ông Bảy Thu kể lại: Thời kỳ chiến tranh ác liệt, Bác Hồ đã chọn và đưa nhiều đoàn học sinh ra nước ngoài học tập, chuẩn bị cho ngày thống nhất, xây dựng đất nước. Tại Bến Cát ngày đó cũng thế, dù đang chiến tranh nhưng tổ chức vẫn bí mật lựa chọn những thanh niên ưu tú đưa ra Bắc học tập, trong đó có Huỳnh Thanh Sơn, người con của đất Phú An (TX.Bến Cát). Ngày đất nước thống nhất, Sơn tham gia làm kinh tế và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Cùng với Sơn là anh Nguyễn Văn Hùng (Thắng), lúc đó là kế toán trưởng Công ty Thương nghiệp Bến Cát. Thời kỳ đó, làm thương nghiệp ai cũng giàu nhưng lãnh đạo huyện đã cương quyết chỉ đạo: “Làm kinh tế thì rất phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu. Nhưng làm gì thì làm, phải bảo đảm làm ăn có lãi. Lãi đó vừa phải được chia đều cho anh em để anh em hứng thú làm việc, vừa có cái để tích lũy mà phát triển lớn lên. Làm ăn kinh tế cũng phải dựa vào dân, việc gì mà dân đồng tình ủng hộ thì thắng, còn ngược lại thì tuyệt đối tránh”. Hùng được rút về tỉnh làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC hiện nay) với rất nhiều thành tích và cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Cũng như các bậc cha chú ngày trước đi đánh giặc, mặt trận kinh tế cũng rất ác liệt, nhưng nếu được giáo dục, rèn luyện tốt thì khó khăn thế nào cũng vượt qua. Đất này tuy nghèo nhưng lại là nơi nuôi dưỡng những anh hùng.

Làm nên kỳ tích

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn “Xê”, nguyên là kế toán kiêm phụ trách công tác thủy lợi Hợp tác xã Tân Ba (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) cho biết, sau một thời gian phát triển mạnh thì phong trào hợp tác xã bị chậm lại do phải cạnh tranh với nhiều thành phần kinh tế khác sau đổi mới giai đoạn 1990- 1995. Nhưng Bình Dương có cái hay là không chạy theo những lợi ích nhất thời mà tập trung vào chiến lược phát triển lâu dài để có một Bình Dương công nghiệp hóa như ngày hôm nay.

Chứng kiến sự phát triển nhảy vọt của Bình Dương, nhiều địa phương, viện, trường đã cử đoàn công tác đến Bình Dương tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, trong đó có đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Lãnh đạo đoàn của học viện đã thẳng thắn nêu câu hỏi: Sự phát triển nhanh chóng của Bình Dương là do đâu? Có phải bên cạnh sự mạnh dạn, đột phá là những “kỹ thuật” lách luật, “xé rào”?... Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó đã thẳng thắn: “Nếu “lách luật” thì trước sau cũng bị phát hiện. Còn “xé rào” thì chắc chúng tôi không thể ngồi đây để tiếp chuyện với đoàn. Thành tựu của Bình Dương do nhiều yếu tố hợp thành nhưng có thể đúc kết ngắn gọn là: Bình Dương đã đi đầu và sáng tạo trong việc vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào trong thực tiễn xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương mình.

Năm 1997, sau thỏa thuận giữa Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu chọn Bình Dương để xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore thì Bình Dương đã chủ động đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cho phép tỉnh đầu tư nâng cấp quốc lộ 13 theo hình thức BOT. Dù là khu công nghiệp đầu tiên nhưng Bình Dương đã mạnh dạn làm khác đơn vị tư vấn là tạo ra không gian tiện ích bên ngoài khu công nghiệp để doanh nghiệp thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa. Công tác này được Becamex IDC thực hiện và đến nay đã có rất nhiều kinh nghiệm.

Dù rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đã tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho sự phát triển ổn định lâu dài. Khi Nhà nước cho phép nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia thị trường, Bình Dương đã mời gọi các thành phần kinh tế khác cùng với các doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh tham gia xây dựng và phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, ngoài các doanh nghiệp Nhà nước, các Khu công nghiệp Sóng Thần II, Đồng An, Việt Hương… do các công ty tư nhân tham gia đầu tư cũng rất thành công.

Bên cạnh đó, các công ty Nhà nước của tỉnh còn tham gia tích cực vào việc sản xuất hàng hóa, xuất khẩu, liên doanh với các công ty nước ngoài... Điển hình như Tổng Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV (hiện nay), ngoài việc gia công sản xuất hàng hóa xuất khẩu còn tham gia liên doanh, liên kết với các tập đoàn kinh tế lớn; Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV (hiện nay) cũng góp phần quan trọng trong việc bảo đảm hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong những lúc khó khăn, không để xảy ra khan hiếm, tăng giá đột biến…

Những bài học quý báu

Trong chuyến đến học tập kinh nghiệm về quy hoạch và phát triển Thành phố mới Bình Dương của đoàn cán bộ huyện Đông Anh, Hà Hội thời gian qua, sau khi đưa đoàn đi tham quan một vòng thành phố mới, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC bắt đầu chia sẻ: “Nhiều đoàn đã đặt câu hỏi với chúng tôi: Tiền đâu mà Bình Dương quy hoạch, phát triển thành phố nhanh và hiện đại như vậy? Thật ra, Bình Dương cũng như các địa phương khác là nguồn thu ngân sách có hạn, nhưng Bình Dương khác các nơi là lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư để phát triển kinh tế. Muốn phát triển kinh tế, ngoài môi trường đầu tư thuận lợi, tiết kiệm thì hệ thống hạ tầng phải tốt, phải đáp ứng được yêu cầu nhanh và an toàn của các nhà đầu tư.

Giải pháp mà Bình Dương thực hiện trong điều kiện khó khăn là hợp tác đầu tư theo hướng cả hai cùng có lợi. Ví dụ, chúng tôi quy hoạch khu công nghiệp thì phải có khách hàng, chứ quy hoạch xây dựng mà chờ khách hàng thì chi phí hao phí rất lớn. Bên cạnh việc mời gọi khách hàng vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì cũng có chính sách hợp tác, ưu đãi cho những khách hàng cùng tham gia với mình đầu tư hạ tầng cùng các dịch vụ khác trong khu công nghiệp. Khách hàng, đối tác hợp tác có hiệu quả thì lập tức người này nói với người kia và hiệu quả ngày một nâng cao. Cho đến giờ này, dù Becamex IDC đã trở thành một tổng công ty đầu tư và phát triển nhưng chúng tôi vẫn duy trì phương châm hợp tác này để bạn vừa có lợi mà ta cũng vừa học tập được kinh nghiệm quản lý, điều hành và phòng tránh rủi ro rất có hiệu quả”.

Bên cạnh những thành công mà lãnh đạo Becamex IDC vừa chia sẻ, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) cũng đề nghị, đoàn cán bộ huyện Đông Anh học tập thành công của Bình Dương cũng nên lưu ý và học luôn khó khăn, gánh nặng mà Bình Dương phải giải quyết đó là: Tốc độ phát triển kinh tế nhanh sẽ kéo theo đà gia tăng dân số cơ học, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng như giao thông, trường lớp học, khám chữa bệnh, môi trường, tội phạm… Bình Dương đã rất nỗ lực để quản lý tốt vấn đề này.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=658
Quay lên trên