Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm

Cập nhật: 18-09-2020 | 09:37:49

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để có những bước đi vững vàng, có được sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng giá thành hợp lý.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: QUỐC CHIẾN

Xây dựng thương hiệu mạnh

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) để tồn tại và phát triển. Để làm được điều đó, DN cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa để khẳng định tầm vóc của thương hiệu Việt.

20 năm trở lại đây, Minh Long I luôn được xem là DN dẫn đầu ngành gốm sứ của Việt Nam và được quốc tế biết đến bởi sản phẩm vừa mang nét độc đáo từ triết lý mỹ thuật phương Đông lại vừa tổng hòa kỹ thuật hiện đại của phương Tây. Chìa khóa cho sự thành công ấy chính là tầm nhìn định vị mình ở vị trí ngang hàng với các DN hàng đầu trong ngành từ các cường quốc như Đức, Nhật và liên tục đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình là Minh Long I đã thành công trong việc tạo ra đột phá công nghệ sản xuất gốm sứ một lần nung. Doanh nhân Lý Ngọc Minh tự tin khẳng định đã nghiên cứu thành công một đột phá công nghệ, góp phần đưa vị thế kỹ thuật ngành gốm sứ Việt Nam lên hàng đầu thế giới. “Chúng ta có thể ngẩng cao đầu khẳng định riêng lĩnh vực đồ sứ theo tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, sản xuất theo công nghệ hiện đại, không hề thua kém bất cứ cường quốc nào trên thế giới”, ông Lý Ngọc Minh nói.

Để sản phẩm đứng vững trên thị trường, thời gian qua Tôn Đại Thiên Lộc xác định phải không ngừng đầu tư công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Công ty luôn tìm cách giảm tiêu hao, giảm chi phí, tăng năng lực sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện chất lượng hậu mãi, chế độ bảo hành. Tôn Đại Thiên Lộc còn ghi điểm chất lượng vượt trội hơn các sản phẩm cùng loại, đạt tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản JIS và tiêu chuẩn ASTM của Hoa Kỳ, nhưng giá cả rất hợp lý.

Hiện nay, tại khu vực châu Á, Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai là một trong những thương hiệu máy phát điện mạnh. Các sản phẩm máy phát điện mang thương hiệu SBMPOWER® ra đời cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. SBMPOWER® luôn có giá thành thấp hơn đến 30%, mẫu mã đẹp, chất lượng lại ngang bằng, thậm chí dịch vụ còn tốt hơn sản phẩm ngoại. Theo ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc công ty, hơn 15 năm qua, Sáng Ban Mai kiên trì theo đuổi một mục tiêu duy nhất là xây dựng thương hiệu máy phát điện Việt Nam sánh ngang bằng với các sản phẩm của các nước phát triển. Điều đáng mừng là đến nay máy phát điện nhãn hiệu SBMPOWER® đã có vị thế vững chắc tại thị trường Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.

Không chỉ đối với DN có thương hiệu mạnh, các DN trong nhiều lĩnh vực cũng ý thức rõ khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực, quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các DN trong nước gặp thêm nhiều áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác ngay trên “sân nhà”. Điều đáng mừng là trong dịch bệnh Covid-19, cùng với việc vượt qua khó khăn, rất nhiều DN ưu tiên việc đẩy mạnh tái cơ cấu, đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất, mở rộng và giữ vững thị trường.

Một tín hiệu khá lạc quan là hiện nay với thị trường nội địa, đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh cho biết hàng Việt chiếm tỷ trọng từ 80-90% trên các kệ hàng. Nhiều sản phẩm hàng Việt đã có cải tiến, nâng cao mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo, sữa, thời trang... ngày càng được cải tiến hiện đại kết hợp với những hình ảnh, màu sắc phù hợp với văn hóa, truyền thống của người Việt.

Thiết thực hỗ trợ

Nhằm nâng cao khả năng cạnh trạnh của các mặt hàng sản xuất trong nước, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tăng cường công tác hỗ trợ DN sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, chinh phục lòng tin của khách hàng. Trong đó, tỉnh giao cho ngành công thương chủ trì thực hiện các đề án phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN ngành gỗ, cơ khí, điện tử, phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng các đề án đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất… Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh chú trọng hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành, tạo ra giá trị gia tăng để công nghiệp mũi nhọn của tỉnh phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên thu hút dòng vốn công nghệ cao, có khả năng thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực để công nghiệp trong nước phát triển, theo kịp đà phát triển của khu vực và thế giới.

Trong những năm qua, từ nguồn vốn khuyến công, xúc tiến thương mại được phê duyệt, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp đã hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương từng bước phát triển các ngành nghề, hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời hỗ trợ giới thiệu quảng bá hàng hóa rộng rãi thông qua các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố và quốc tế. Vừa qua, Bình Dương đã đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp với một số không gian hỗ trợ tại trung tâm chuyên phục vụ các chương trình đào tạo, tập huấn, sự kiện, hội nghị, hội thảo… tạo điều kiện cho DN đổi mới sáng tạo và phát triển.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng (NSCL) sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Đây được coi là cú hích mới, hỗ trợ DN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh của DN. Chương trình đặt ra mục tiêu hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao NSCL, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

* Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết các DN cần chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin về các FTA nói chung và trong khu vực nói riêng để có phương án tiếp cận thị trường tiềm năng, từ đó có phương án sản xuất phù hợp để tạo các sản phẩm có giá trị cao đáp ứng thị hiếu của thị trường. Trong đó, yếu tố về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ là một trong những yêu cầu hàng đầu để nâng cao sức cạnh tranh.
* Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các DN cần phải thay đổi quản trị và nắm bắt tốt thông tin về thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Hãy tập trung vào sáng tạo, tìm lợi nhuận chân chính. DN phải bảo đảm sự minh bạch, liêm chính, thay vì tìm những mối quan hệ để tìm kiếm lợi nhuận bất minh. Có như thế DN mới bắt kịp yêu cầu của giai đoạn mới.
* Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, các cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét đưa ra một quy chuẩn chất lượng dành riêng cho mặt hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, nhằm hạn chế hàng kém chất lượng, giá rẻ đang tiêu thụ trên thị trường như Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ đãvà đang áp dụng. Từ đó, giúp hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh, đứng vững trong bối cảnh bảo hộ và chiến tranh thương mại diễn ra sâu rộng.

TIỂU MY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=671
Quay lên trên