Nguồn vốn vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu thiết thực, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế đang đến sớm với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Dầu Tiếng.
Nguồn vốn chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng có cơ hội tạo lập cuộc sống mới. Trong ảnh: Giải ngân vốn vay cho thân nhân các đối tượng tại điểm giao dịch xã Định An, huyện Dầu Tiếng
Tạo điều kiện thuận lợi
Từ tháng 9-2023 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Dầu Tiếng đã có những việc làm cụ thể giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sớm ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Ngân hàng đã cùng với ngành công an, UBND huyện phối hợp với các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… gặp các đối tượng để động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hướng giúp đỡ. Bên cạnh đó, ngân hàng tuyên truyền, hướng dẫn một số mô hình kinh tế hộ gia đình để khơi gợi tinh thần lao động của các đối tượng. Nhờ những việc làm trên, đời sống tinh thần, nhu cầu vươn lên, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn của các đối tượng từng bước nâng cao.
Theo ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Dầu Tiếng, bên cạnh sự nỗ lực, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, yếu tố quan trọng hơn hết là bản thân các đối tượng cần có ý thức vươn lên, tạo dựng niềm tin với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương cũng như gia đình và cộng đồng để ổn định cuộc sống. Đối với các đối tượng thi hành xong án phạt tù, cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể cần chú trọng hỗ trợ nhiều hơn. Trước hết là giúp đỡ thực hiện các thủ tục làm căn cước công dân, xác nhận đối tượng, tư vấn vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... Đó cũng chính là động lực giúp các đối tượng tự tin đứng lên lập nghiệp.
Sử dụng vốn vay hiệu quả
Anh Nguyễn Hùng, ngụ khu phố 1, thị trấn Dầu Tiếng, sau thời gian chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương với tâm lý e dè. Nhờ sự động viên, hậu thuẫn của gia đình, chính quyền và các đoàn thể, PGD NHCSXH huyện hướng dẫn đào tạo nghề, giúp đỡ các thủ tục vay vốn, anh Hùng mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư vào dịch vụ bida giải trí. Từ nguồn vốn này đã giúp anh có việc làm ổn định, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Anh hùng cho biết đang nỗ lực làm việc để bù đắp những nỗi buồn đã gây ra cho cha mẹ, người thân.
Trường hợp anh Nguyễn Minh Tâm, ở ấp Đường Long, xã Thanh Tuyền, sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương, tìm việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua chương trình cho vay của NHCSXH, anh đã đăng ký vay 50 triệu đồng. Sau khi có vốn, anh Tâm đã cùng gia đình đầu tư 2 con bò sinh sản, tạo lập cuộc sống ổn định hơn.
Anh Nguyễn Văn Quân, ngụ ấp Kiến An, xã An Lập cũng đã được chính quyền, đoàn thể địa phương và NHCSXH huyện tạo điều kiện hỗ trợ vốn 50 triệu đồng. Anh và vợ mở quán giải khát, mua thêm một xe gắn máy chạy xe ôm. Chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế gia đình được cải thiện, anh chị yên tâm nuôi hai con ăn học.
Cũng như những đối tượng nêu trên, anh Nguyễn Thanh Bình, ngụ ấp Hóc Măng, xã Long Tân sau khi tiếp cận được nguồn vốn của NHCSXH, anh đã đầu tư kinh doanh hải sản tươi sống, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, thu nhập bình quân tăng thêm 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Đăng Khoa cho biết thời gian qua, thực hiện Quyết định số 22 của Chính phủ, PGD NHCSXH huyện đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền sâu rộng để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế gia đình. Đây là chủ trương lớn, nhân văn, nguồn vốn vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu thiết thực, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho những người đã lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời, sớm trở thành công dân có ích cho xã hội.
THANH HỒNG