Nhờ có sự nhiệt tình, kinh nghiệm cùng kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực tư pháp, các hòa giải, đối thoại viên thuộc Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án Nhân dân TP.Thủ Dầu Một đã hòa giải thành nhiều vụ hôn nhân gia đình phức tạp, góp phần giảm số lượng vụ việc tòa phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử.
Ông Phạm Văn Lâm đang tiến hành hòa giải một vụ hôn nhân gia đình chiều 15-5
Tích cực hòa giải, đối thoại
Anh Nguyễn Văn N. (SN 1986, ngụ tại TP.Thủ Dầu Một) nộp đơn tại Tòa án Nhân dân TP.Thủ Dầu Một đòi ly hôn vợ là Phạm Thị Minh L. vì lý do cả hai “không tìm thấy tiếng nói chung trong hôn nhân”. Hòa giải viên Phạm Văn Lâm, phường Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) được giao hòa giải, đối thoại với các đương sự.
Từng có kinh nghiệm 11 năm trong công tác hòa giải tại địa phương, câu chuyện của vợ chồng anh N. đối với hòa giải viên Phạm Văn Lâm không phải là một “ca” quá khó. Nguyên nhân gây rạn nứt hôn nhân của vợ chồng anh N. bắt nguồn từ việc ghen tuông, hờn giận.
Anh N. vốn là kỹ sư xây dựng, thường xuyên đi sớm về trễ. Người vợ sau những ngày chứng kiến chồng trở về nhà trong trạng thái say xỉn đã bày tỏ sự nghi ngờ, ghen tuông. Cứ mỗi lần thấy chồng về trễ là chị L. lại cằn nhằn, trách móc dẫn đến vợ chồng cãi vã, xô xát. Quá sức chịu đựng trước sự ghen tuông vô cớ của vợ, anh N. gửi đơn đến tòa án xin ly hôn.
Qua việc lắng nghe tâm sự của vợ chồng anh N., hòa giải viên Phạm Văn Lâm đã đưa ra nhiều lý luận “thấu tình đạt lý” khiến cả vợ và chồng đều nể phục. Chị L. đã hiểu mình nên thông cảm cho công việc của chồng, không tránh những lúc “vui quá chén” với bạn bè thợ xây. Anh N. cũng cần phải nghĩ tới vợ, đứa con gái và hạnh phúc gia đình mà hạn chế những cuộc vui với bạn bè.
Qua thuyết phục, động viên từ vị hòa giải viên tâm huyết, anh N. đã rút đơn ly hôn để gia đình đoàn tụ, hạnh phúc như xưa.
Ấn tượng về những “ca” khó
Cũng là một vụ hôn nhân gia đình nhưng vụ ly hôn do hòa giải viên Nguyễn Văn Hiệp, phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) đảm nhận lại phức tạp hơn. Ở tuổi lục tuần, bà Nguyễn Thị M. đã nộp đơn xin ly hôn chồng là ông Nguyễn Thanh V. vì cho rằng “cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc”, chồng thường xuyên hăm dọa, đánh đập bà.
Nguyên đơn tâm sự chồng bà thường hăm dọa đòi giết nếu bà nộp đơn ly hôn. Người chồng này được miêu tả có tính cách lập dị, hung hãn, thường nhốt mình trong nhà xem điện thoại và có dấu hiệu trầm cảm. Bà M. làm kế toán, là kinh tế chính cho gia đình, mọi tài sản và chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do bà lo lắng. Họ có với nhau một người con trai đã lập gia đình, hiện đang sống chung với cha mẹ.
Với kinh nghiệm 12 năm là cán bộ hòa giải cơ sở, 20 năm giữ vai trò hội thẩm trong Hội đồng xét xử tại các phiên tòa, ông Hiệp nhận định đây là một trường hợp khó. Nếu không hòa giải thành, vụ việc sẽ chuyển qua tòa thụ lý, người chồng phát hiện sẽ không để yên! Nếu hòa giải thành, sau khi trở về đoàn tụ gia đình, bà M. lại tiếp tục sống trong những ngày tháng mệt mỏi, bị người chồng hành hạ, đày đọa về thể xác và tinh thần. Ở cũng không được mà ly hôn cũng không yên. Cách duy nhất để người hòa giải viên tâm huyết này tư vấn cho đương sự chính là làm sao để bảo đảm an toàn cho mình. Tuy nhiên, việc trước tiên cần làm của bà M. chính là xây dựng cơ ngơi và hỗ trợ vợ chồng con trai ra riêng. Đến một thời điểm, nếu người chồng vẫn không thay đổi, mâu thuẫn đỉnh điểm thì bà M. sẽ đến nhà con trai để sống, bảo toàn tính mạng và nộp đơn ly hôn nếu có nguyện vọng.
Bà M. sau khi được giải thích cặn kẽ đã quyết định rút đơn khởi kiện, trở về đoàn tụ với gia đình. Bà M. cám ơn người cán bộ hòa giải của Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án Nhân dân TP.Thủ Dầu Một vì đã hướng dẫn cho bà cách làm tốt nhất trong hoàn cảnh oái oăm của mình.
Chia sẻ về điều này, hòa giải viên Nguyễn Văn Hiệp tâm sự: “Nhiều vụ mâu thuẫn hôn nhân do cả vợ và chồng có cái tôi quá lớn, khi được giải thích cặn kẽ về vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong hôn nhân, họ đều nhận ra sai sót của mình. Riêng các vụ ly hôn có tính chất phức tạp hơn do người đại diện quyền lợi của một trong hai bên đương sự tham gia, những trường hợp như vậy rất khó để hòa giải, đối thoại thành. Khi hòa giải, đối thoại thành một vụ, tâm trạng tôi vui và nhẹ nhõm lắm. Còn nhiều vụ phải chuyển tòa giải quyết theo tố tụng, tôi về nhà vẫn cảm thấy ray rứt, khó chịu”.
TÂM TRANG