Ngày 21-4, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2012, trong đó có phần đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Trước hết cần khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân. Mọi người dân được thực thi các quyền của mình trong khuôn khổ luật pháp. Mặc dù có những ghi nhận về một số thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục dựa vào các thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam và đưa ra những nhận xét không khách quan về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam. Điều này không có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại trong lĩnh vực quyền con người. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua các cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng, gần đây nhất là cuộc đối thoại ngày 12-4 vừa qua, hai bên có cái nhìn khách quan và thực tế về tình hình thực thi nhân quyền ở mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”.
Trước đó, ngày 19-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Nghị quyết ngày 18-4-2013 của Nghị viện châu Âu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã đưa ra những thông tin và nhận định hoàn toàn sai lệch về tình hình thực tế ở Việt Nam”. Ông Lương Thanh Nghị nói việc làm này “đi ngược lại xu thế đối thoại thẳng thắn, cởi mở trong lĩnh vực quyền con người đã được xây dựng và tiến hành thường xuyên giữa Việt Nam và các cơ chế của Liên minh châu Âu, ảnh hưởng không tốt đến đà phát triển và mối quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu”.
Nói về Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nghị quyết của Nghị viện châu Âu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng - Văn phòng Thường trực nhân quyền của Việt Nam cho biết: Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như Nghị quyết của Nghị viện châu Âu không hoàn toàn nói xấu về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Trước hết, họ ghi nhận những thành tựu và những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được. Ví dụ như vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Đó là điều hết sức khách quan. Tuy nhiên, có những điều họ nêu hoàn toàn không khách quan, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đi ngược lại xu thế quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Các báo cáo của họ dựa trên những thông tin sai lệch, không dựa vào tình hình thực tế ở Việt Nam. Họ dựa vào những thông tin, qua những kênh không chính thống, xuất phát từ những cá nhân có tư tưởng chống đối Việt Nam, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam. Chúng tôi với tư cách là văn phòng thường trực, giúp cho Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền con người trong nước, kiên quyết phản đối những nội dung sai trái, những tình tiết xuyên tạc việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng về việc bảo đảm quyền của người dân về ngôn luận, tự do hội họp, tự do internet. Hiện nay, chúng ta có trên 700 tờ báo viết, hơn 1.000 báo mạng và khoảng 31 triệu người dân sử dụng internet. Những con số đó đã nói lên rằng, ở Việt Nam không có chuyện ngăn cản về tự do ngôn luận hay tự do internet. Vấn đề đáng quan tâm ở chỗ, có một số công dân Việt Nam đã lợi dụng quyền được pháp luật bảo hộ nhằm hoạt động cho mục đích riêng của mình, đó là chống đối chế độ, vi phạm trật tự xã hội, gây ra những bất ổn trong xã hội.
Một số công dân Việt Nam đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận mà pháp luật bảo hộ để gây ra bất ổn ở Việt Nam. Họ lợi dụng internet, lợi dụng các trang mạng để tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân. Họ xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong vấn đề bảo đảm quyền con người.
T.S (tổng hợp)