Những năm qua, với nhiều giải pháp đồng bộ, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ phát triển.
Nghiệm thu đề án hỗ trợ Công ty TNHH An Khang, TX.Tân Uyên
Thiết thực hỗ trợ
Hoạt động khuyến công của tỉnh thời gian qua đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của từng giai đoạn. Nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và được đánh giá cao, như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT… Thông qua các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đối với các DN, việc hỗ trợ máy móc thiết bị để đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm công lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã đem lại lợi ích thiết thực. Theo ông Phạm Chí Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nam Thiên Trường (TP.Dĩ An), từ nguồn vốn hỗ trợ của Sở Công thương, DN đã mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ, đào tạo lại đội ngũ lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay và phù hợp với yêu cầu thị trường, phát triển sản xuất, đón đầu cơ hội. Ông Thắng cho biết, nhờ sớm đầu tư thiết bị công nghệ mới công ty nhanh chóng tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính, mở rộng thị trường, ổn định sản xuất.
Ông Lưu Trí, Tổng Giám đốc Công ty Nghệ Năng (TP. Dĩ An), cho rằng với sự hậu thuẫn tích cực của ngành công thương và bằng chính sự nỗ lực tự thân, thời gian qua các DN, cơ sở sản xuất của tỉnh từng bước lớn mạnh. Từ đó, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển. Trong đó, việc hỗ trợ thiết bị, máy móc công nghệ mới nhằm tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, khai thác tối đa những lợi thế của DN là rất thiết thực. Qua đó, giúp DN sản xuất ra sản phẩm chất lượng đồng đều, gắn với phát triển nghiên cứu đổi mới mẫu mã thích nghi với thị hiếu từng giai đoạn. Ông Trí cũng cho biết, năm 2019 với sự hỗ trợ của kinh phí khuyến công địa phương, Công ty Nghệ Năng đầu tư máy cắt lazer. Nhờ đó, đã chủ động hoàn toàn việc bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hoàn thành sớm nhiều đơn hàng, tăng thêm uy tín, ký kết nhiều hợp đồng lớn hơn, mở rộng cung cấp cho thị trường.
Năm 2020, bên cạnh hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, qua đó, giúp các DN, cơ sở sản xuất CNNT, nhất là các DN chế biến nông sản có cơ hội quảng bá, tiếp cận được với các đối tác tiềm năng trong và ngoài tỉnh. Để công tác khuyến công đạt hiệu quả cao hơn, trung tâm chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn và các cơ sở, DN, các ngành ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như các cơ sở, DN tham gia liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở, DN chế biến nông sản.
Nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp, m ạng lưới cộng tác viên khuyến công giữ vai trò quan trọng trong việc nắm bắt nhu cầu thực tế các cơ sở sản xuất CNNT tại các địa bàn. Qua đó, giúp trung tâm xây dựng, triển khai đề án; phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, đơn vị thụ hưởng hoàn thành đề án đúng tiến độ; phổ biến các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất CNNT, các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa tại địa phương; thống kê danh sách các cơ sở CNNT, lập kế hoạch và đề xuất các hoạt động khuyến công; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở CNNT; làm đầu mối triển khai các hoạt động khuyến công; hướng dẫn, tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, liên doanh liên kết.... Hiện trung tâm đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên khuyến công có mặt ở tất cả các huyện, thị, thành phố và một số xã, phường, thị trấn góp phần giúp cho trung tâm khuyến công có những số liệu tin cậy cập nhật về cơ sở sản xuất CNNT tại các địa phương và đưa các thông tin chính sách hỗ trợ khuyến công tới các cơ sở sản xuất một cách thường xuyên hơn.
Chính vì vai trò quan trọng của cộng tác viên khuyến công nên công tác tập huấn luôn được trung tâm tổ chức thường xuyên và luân phiên tại các địa phương. Cuối tháng 9 vừa qua, tại lớp tập huấn cộng tác viên khuyến công tại TX.Tân Uyên, các cán bộ của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp đã phổ biến một số nội dung về chính sách khuyến công, chính sách hỗ trợ đối với từng loại hình cơ sở cụ thể cũng như các hạng mức được hỗ trợ. Đồng thời, tư vấn và hướng dẫn các cơ sở sản xuất CNNT tại địa phương cách lập đề án khuyến công, quy trình, thủ tục để tiếp cận chính sách khuyến công khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, các cán bộ của trung tâm cũng đã thảo luận, trao đổi và giải đáp một số thắc mắc, khó khăn của các cơ sở, DN trong tiếp cận chính sách; tạo cầu nối để các cơ sở tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.
Theo Phòng Kinh tế TX.Bến Cát, lợi thế của các cộng tác viên khuyến công là người sống trên địa bàn, trực tiếp thực hiện công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phụ trách, họ có thể hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của từng cơ sở để lựa chọn cách thức trao đổi và hướng dẫn một cách phù hợp. Hơn nữa, các cộng tác viên thường có mối quan hệ gần gũi với các cơ sở, có thể dễ dàng nắm bắt những vướng mắc, khó khăn giúp trung tâm khuyến công có những đề xuất hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Lãnh đạo Phòng Kinh tế TX.Tân Uyên cho biết, cộng tác viên khuyến công đã hỗ trợ, tiếp sức, khuyến khích nhiều DN trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, đổi mới dây chuyền thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo việc làm, nâng cao hiệu suất lao động; khuyến khích các tổ chức, DN mới thành lập có điều kiện đầu tư máy móc tiên tiến vào quy trình sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở CNNT tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó tin tưởng và an tâm đầu tư phát triển sản xuất. Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp, để triển khai tốt công tác khuyến công, ngoài những chương trình các huyện đã đăng ký, ngành công thương trực tiếp khảo sát thực tế tại các cơ sở CNNT. Thống nhất với các địa phương, các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở được hỗ trợ bám sát quy định khuyến công xây dựng chương trình, đề án hỗ trợ trình Hội đồng thẩm định xét duyệt. Bên cạnh đó, công tác khuyến công được trung tâm thực hiện theo hướng bám sát vào nhiệm vụ, định hướng phát triển kinh tế của địa phương, tập trung hỗ trợ các lĩnh vực ngành nghề có lợi thế. |
TIỂU MY