Hỏi - đáp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cập nhật: 20-07-2022 | 08:06:34

 - Tôi là lao động nữ, năm nay tôi 37 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 10 năm. Xin hỏi, tôi muốn đóng luôn 1 lần 10 năm để đủ thời gian 20 năm đóng BHXH thì có được nhận lương hưu hàng tháng ngay không?

- Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Để được hưởng lương hưu, theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động tham gia BHXH bắt buộc phải có đủ số năm đóng BHXH, đồng thời đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Đối với BHXH bắt buộc: Theo Luật BHXH 2014, trường hợp người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 6 tháng, người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu.

Đối với BHXH tự nguyện: Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng như sau:

- Đóng hàng tháng; đóng 3 tháng/lần; đóng 6 tháng/lần; đóng 12 tháng/lần.

- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.

- Đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng).

Như vậy, trường hợp của bạn hiện nay mới 37 tuổi, chưa đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định (nữ 55 tuổi + 8 tháng). Vì vậy bạn có thể lựa chọn phương thức đóng một lần 5 năm cho những năm về sau.

- Tôi bị tai nạn trong lúc đang làm việc, phải nằm viện điều trị 2 tháng. Vậy tôi có được xem là tai nạn lao động không? Trong thời gian này tôi muốn dừng đóng BHXH có được không?

- Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 45 của Luật An toàn vệ sinh lao động quy định: Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Sau khi điều trị vết thương ổn định trở lại làm việc, bạn được đơn vị sử dụng lao động sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe và giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động. Khi có kết quả giám định y khoa, nếu bạn đủ điều kiện như nêu trên, đơn vị sử dụng lao động làm hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Đơn vị sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho bạn khi bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị và tham gia BHXH đầy đủ cho bạn.

- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau thì có phải đóng bảo hiểm y tế (BHYT) không?

- Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Căn cứ theo Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam quy định: Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: “Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”.

Như vậy, khi người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

TƯỜNG VY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=394
Quay lên trên