Hội nhập quốc tế: Doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp

Cập nhật: 27-04-2019 | 10:38:41

Theo các chuyên gia, để hội nhập thành công, các doanh nghiệp trong nước cần nắm vững luật pháp quốc tế, ứng phó hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

 Hoạt động sản xuất tại Công ty chế biến gỗ Mifaco (TX.Thuận An) Ảnh: TIỂU MY

Am hiểu luật quốc tế

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp - thành viên tổ tư vấn Chính phủ, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có sự tích lũy các kinh nghiệm, tập quán và thông lệ thực hành tối ưu trên thế giới về hoạt động kinh doanh, đầu tư nên sẽ hướng đến tạo ra các khuôn khổ mới cho Việt Nam. Đây chính là khía cạnh chủ động của Việt Nam trong hội nhập. Các khuôn khổ này vừa bắt buộc Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, đồng thời cũng khuyến khích, thúc đẩy việc kinh doanh và đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

Khi tham gia các FTA, các quy định về tăng cường minh bạch hóa, tạo thuận lợi, nâng cao tiêu chuẩn đối với lao động và môi trường để doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Đơn cử như, CPTPP sẽ giúp Việt Nam có các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi hiệp định có hiệu lực. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng hội nhập kinh tế quốc tế luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức. Cụ thể, Việt Nam sẽ phải sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế... để đáp ứng yêu cầu của quốc tế.

Chia sẻ về vấn đề hội nhập, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long (TX.Thuận An), cho biết khi các FTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cần phân tích năng lực nội tại và nghiên cứu môi trường kinh doanh một cách toàn diện để có kế hoạch phát triển. Đặc biệt, nếu không có kế hoạch chiến lược, doanh nghiệp không thể xây dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn, trong đó có các cơ hội đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, cho rằng với ngành gỗ, CPTPP sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu các sản phẩm. Bên cạnh những thuận lợi, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đó là hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe và nhiều rào cản kỹ thuật hơn. Chẳng hạn, hàng hóa của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, chất lượng, môi trường và lao động theo các tiêu chí khắt khe hơn và toàn diện hơn; các dòng thuế nhập khẩu bị cắt giảm, đồ gỗ của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với đồ gỗ của các quốc gia trong CPTPP cả thị trường nội địa và xuất khẩu...

Giữ vững thị trường trong nước

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương, cho biết một thách thức lớn mà nước ta phải đối mặt là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu của các nước đối tác. Thực tế, việc mở cửa thị trường, cắt giảm thuế sâu theo quy định của các FTA mà Việt Nam tham gia sẽ là cơ hội cho hàng hóa nhập khẩu tăng lên, cạnh tranh với hàng hóa trong nước.

Để đứng vững trên thị trường nội địa và xuất khẩu, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội cơ điện Bình Dương, cho biết các doanh nghiệp thành viên đang nỗ lực kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm tìm ra hướng đi bền vững trong hội nhập. Ông cũng mong muốn có nhiều cơ hội, điều kiện gặp gỡ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để có cơ hội giới thiệu năng lực của các công ty cơ điện, qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác về công nghệ.

Tại Hội thảo về CPTPP - Cơ hội và thách thức cho ngành gỗ do Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương tổ chức vừa qua, bà Phạm Chi Lan cho rằng ngành gỗ Việt Nam cũng cần chú trọng đến thị trường trong nước thay vì chỉ chú trọng ngành hàng xuất khẩu như hiện nay. Hiện tầng lớp trung, thượng lưu trong nước đang xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, nếu doanh nghiệp ngành gỗ bỏ qua thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân là một sự lãng phí lớn.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam mở cửa rộng hơn với thế giới, cũng là thời điểm các thương hiệu toàn cầu xâm nhập sâu rộng vào thị trường nước ta. Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề có tính hệ thống mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải, đó là không phải thiếu ý tưởng mà là các ý tưởng kinh doanh được triển khai một cách yếu kém. Đặc biệt, hiện nay nhiều thương hiệu Việt lại được xây dựng mang tên tiếng Anh, trong khi đó điều quan trọng hơn là làm tên cho thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu cho công ty.

Theo tổ chức mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia (Deloitte), Anh quốc, 70% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi 15 - 64. Đây chính là nhân tố chính tạo nên một thị trường bán lẻ hấp dẫn.

TIỂU MY   

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=493
Quay lên trên