Hội nhập với yêu cầu bảo đảm “sân nhà”

Cập nhật: 07-08-2015 | 06:55:34

Kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế thông qua các cam kết, các hiệp định thương mại tự do mà đại diện Chính phủ đã ký với các nước, các tổ chức quốc tế. Bên cạnh những thuận lợi như thị trường được mở rộng, sự liên doanh liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo hướng hai bên có lợi diễn ra phổ biến hơn… thì yêu cầu bảo đảm “sân nhà” vừa là vấn đề tế nhị và cũng góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp (DN) trong quá trình hội nhập, phát triển.

 Hàng may mặc làsản phẩm dễ bị làm giả nhiều nên cần được quan tâm bảo vệ. Trong ảnh: Hoạt động may xuất khẩu ti Công ty Panko Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát) Ảnh: D.CHÍ

Cương quyết với hàng gian, hàng giả

Tại cuộc tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương cho biết, đặc thù của ngành giày da, may mặc là thâm dụng nhiều lao động nhưng phải qua đào tạo nghề cùng nhiều kỹ năng quan trọng khác theo quy định bắt buộc của pháp luật. Tuy nhiên, đối tượng bị làm giả nhiều nhất cũng là các mặt hàng giày da, may mặc. Hàng gian, hàng giả của ngành này suy cho cùng đều đến từ 2 nguồn chính là thẩm lậu từ các nước xung quanh qua nhiều nguồn như “xách tay” hoặc nhập lậu, nhưng nhức nhối hơn là việc tổ chức sản xuất lậu.

Những lao động được đào tạo nghề từ các công ty may, giày da khi đã có điều kiện nắm bắt quy trình sản xuất, nguồn hàng thì nhảy ra ngoài tự tổ chức các cơ sở sản xuất lậu với sản phẩm, kiểu dáng, thương hiệu không khác gì hàng chính hãng do các công ty gia công sản xuất. Hàng hóa này không thể nào xuất khẩu được vì là hàng lậu nhưng lại tiêu thụ tốt ngay tại thị trường nội địa với giá rẻ hơn gấp nhiều lần sản phẩm cùng loại vì không phải chịu thuế, không được bảo đảm thương hiệu, không qua kiểm tra kiểm soát nên không ai chịu trách nhiệm về tính an toàn và những rủi ro có thể xảy ra.

Ông Vũ phân tích, vấn nạn hàng gian, hàng giả vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thất thu ngân sách của Nhà nước vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN chân chính. Hơn thế nữa, hàng gian, hàng giả là nguyên nhân gây mất lòng tin của các nhà đầu tư, mất uy tín của địa phương và đất nước trong quá trình hội nhập.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thời gian qua, chi cục đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh, xử lý hàng gian, hàng giả. Tuy vậy, do lực lượng còn mỏng nên việc xử lý có lúc còn gặp khó khăn. Ông Danh cũng cho rằng: “Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức hội thảo, hội nghị nhưng mời DN thì DN không quan tâm, không đến dự, hội nghị không mang lại kết quả như mong muốn. Trong khi đó, vấn đề tác giả, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp được các DN nước ngoài rất quan tâm và đến dự rất đông đủ. Bài học mà tôi muốn rút ra tại đây là chính mình phải có ý thức bảo vệ mình chứ không đợi đến khi có chuyện thì mới xắn tay nhảy vào” .

Phải đứng vững trên “sân nhà”

Chia sẻ với mối quan tâm của các DN, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả tỉnh khẳng định, Bình Dương rất cương quyết với nạn hàng gian, hàng giả.

Theo đại diện Hiệp hội Sơn mài điêu khắc, ngành điêu khắc, sơn mài, mỹ nghệ Bình Dương có truyền thống lâu đời gắn với lịch sử hình thành trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một trên 100 năm. Từ khi thành lập trường, bên cạnh việc giới thiệu các loại chất liệu hiện đại, người Pháp vẫn quan tâm phát triển thế mạnh truyền thống của địa phương. Sơn sản xuất tại chỗ (còn gọi là sơn ta) là một ví dụ. Có nhiều sản phẩm sử dụng sơn ta trải qua cả trăm năm, kể cả chôn dưới đất nhưng khi khai quật lên vẫn giữ nguyên màu sắc, chất liệu. Điểm yếu của loại sơn này so với sơn các nước phát triển (còn gọi là sơn tây) là nghèo về màu sắc, khó chế biến, khi sử dụng đòi hỏi tay nghề cao… Bên cạnh đó, giá sơn ta trên thực tế đắt gấp 10 lần sơn tây nên dẫn đến khó cạnh tranh.

Để phát huy thế mạnh và khắc phục những nhược điểm này, Hiệp hội Sơn mài - điêu khắc kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để đưa sơn ta vào trong sản phẩm xuất khẩu nhằm tạo sự khác biệt, hấp dẫn, tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, xác lập quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp trong thời gian 1 năm kể từ ngày đăng ký, bởi tình trạng sao chép, “ăn cắp”, làm giả sẽ làm “chết” tác giả, tác phẩm trước khi nó ra đời.

Ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của Hiệp hội Sơn mài, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ cũng đề nghị hiệp hội cần lập đề án, nêu rõ yêu cầu cần hỗ trợ. Từ đó, sở sẽ lập đề án nghiên cứu và hỗ trợ ngay.

Để một quốc gia, địa phương và DN hội nhập thành công, các chuyên gia cho rằng, hàng hóa muốn đi xa, thương hiệu muốn được lan tỏa tốt thì trước tiên phải nổi tiếng ngay tại nơi nó được sinh ra. Bởi vì “sân nhà” nếu được bảo đảm sẽ góp phần giữ vững sản xuất, tạo đà để sản phẩm vươn xa, phát triển bền vững.

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên