Sáng qua (14-10) tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc “70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và trao giải cuộc thi viết về “Dân vận khéo” năm 2019.
Toàn cảnh hội thảo 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại điểm cầu Bình Dương
Tầm chiến lược cách mạng
Các tham luận trình bày tại hội thảo đã chứng minh: Dù ra đời cách nay 70 năm nhưng tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên tính thời sự, là cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận.
Ngày 15-10-1949, tác phẩm “Dân vận” của Bác đã đăng trên báo Sự thật với bút danh XYZ. Tác phẩm “Dân vận” của Bác có 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Có thể nói, tác phẩm “Dân vận” là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của nhân dân “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; hàng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác dân vận của tập thể cấp ủy, đảng viên; tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận với một số chủ đề: Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn cho công tác dân vận hiện nay; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài báo “Dân vận” trong việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; Quân đội nhân dân Việt Nam - 70 năm thực hiện lời dạy trong bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm hay cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác dân vận ở địa phương, cơ quan, đơn vị công tác.
Trình bày tham luận với chủ đề “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận”, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ: “Dân vận qua những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ta nhận ra khoa học và nghệ thuật của công tác vận động quần chúng. Đó là những giá trị ở tầm văn hóa, chính trị Hồ Chí Minh, nhìn từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, chính quyền, đoàn thể với nhân dân mà mục đích cao nhất là vì dân, phục vụ nhân dân như phục tùng một chân lý cao nhất, làm đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của nhân dân là thực hành một lẽ sống cao thượng nhất như Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta. Dân vận thực sự mang tầm vóc và ý nghĩa của một Cương lĩnh vận động quần chúng cách mạng, có giá trị lâu dài, bền vững”.
Giá trị vượt thời đại
Qua các phần trình bày tham luận của các đại biểu dự hội thảo đã chứng minh: Dù ra đời cách đây 70 năm nhưng tác phẩm “Dân vận” vẫn còn nguyên tính thời sự, là cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận.
Trung tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên từng địa bàn; tích cực, chủ động, phối hợp thực hiện làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, cho biết thực tiễn 70 năm qua cho thấy, để có được niềm tin của nhân dân, mọi quyết định của Đảng phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống của người dân là mối quan tâm hàng đầu. Công tác vận động các tầng lớp nhân dân không thể tách rời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ và nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; đồng thời quan tâm hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phù hợp thực tiễn”…; cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm.
Dịp này, Ban Tổ chức cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” đã trao thưởng cho 50 tác phẩm được chọn vào chung khảo giai đoạn 2017- 2020 của năm 2019.
CAO SƠN