Hòn Chuối có lớp học đặc biệt

Cập nhật: 22-09-2020 | 07:49:55

 Hiếm có lớp học nào đặc biệt như Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Lớp học chỉ có 20 học sinh nhưng có tới 3 cái bảng, bố trí ở 3 hướng khác nhau. Trình độ học sinh thì từ lớp 1 đến tận lớp 6. Và, người thầy dìu dắt các em không ai khác chính là những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh của Đồn biên phòng Hòn Chuối.

 Các em nhỏ ở lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối

 Màu xanh quân hàm..

Để đến được lớp học tình thương nằm trên đảo Hòn Chuối, chúng tôi phải vượt đoạn đường hơn 300 bậc thang dốc, có đoạn rất đứng và cả một đoạn dài dốc sỏi đá gồ ghề. Với những người quen đất liền như chúng tôi mà nói là “toát mồ hôi hột” và phải rất nhiều chập dừng nghỉ chân mới lên tới lớp. Nhưng với các em nhỏ ở đảo này đã trở thành chuyện hàng ngày. Bởi, đó là cách duy nhất và là con đường độc đạo để đến lớp. Hành trình đi tìm con chữ của các em quả là gian nan. ..

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, 20 em nhỏ từ chân đảo tung tăng đến lớp. Đại úy Trần Bình Phục, cán bộ Đồn biên phòng Hòn Chuối, người gần 10 năm gắn bó với lớp học tình thương, chia sẻ: “Lớp học tình thương được đồn Biên phòng Hòn Chuối thành lập từ 20 năm trước. Năm 2008, anh được điều động ra đảo. Khi nhìn thấy những đứa trẻ nhem nhuốc, gầy guộc, điều kiện học tập rất khó khăn, anh tự nhủ: Mình phải làm gì đó cho bọn trẻ. Hai năm sau, anh quyết định xin ở lại phụ trách lớp học tình thương trên đảo cho đến hôm nay”.

Những ngày đại úy Trần Bình Phục đi vắng, lớp học lại được dìu dắt bởi thầy giáo - binh nhất Lê Hon Đa. Thầy Lê Hon Đa tốt nghiệp Đại học Đồng Tháp, khoa Sư phạm Mỹ thuật. Thầy Lê Hon Đa chia sẻ: “Việc dạy các em ở lớp học tình thương cũng được xem là một nhiệm vụ quan trọng và phải hoàn thành thật tốt. Vì vậy, anh phải nghiên cứu cách dạy phù hợp, tạo tâm lý phấn khởi cho các em học tập”.

Mỗi ngày đến lớp với các thầy giáo quân hàm xanh đều là một kỷ niệm đẹp. Những kỷ niệm đặc biệt mà thầy và trò ở lớp học tình thương này nhớ nhất chính là lần tổ chức đón Tết Trung thu trên đảo khi phải rước đèn ông sao và trông trăng giữa ban ngày trong mưa bão. “Giữa ban ngày nên lớp học phải đóng tất cả các cửa, bịt kín các khe hở để tạo không gian như ban đêm và rước đèn ông sao, đốt đèn lồng bên trong, bên ngoài trời vẫn mưa bão. Một Tết Trung thu thiếu thốn nhưng ấm áp yêu thương của tình thầy trò và lung linh sắc màu của những chiếc đèn lồng thầy trò tự chế”, thầy Lê Hon Đa nhớ lại.

Thầy Lê Hon Đa cho biết các học trò của mình toàn con nhà nghèo, nhưng các em đều rất ham học. Hai học trò có hoàn cảnh khó khăn nhất là em Ngô Trúc Vy và Trần Hoàng Kiệt cũng là những em có thành tích học tập tốt nhất. Hai em được Đồn Biên phòng nhận làm “em nuôi” và trợ giúp mỗi em 500.000 đồng/tháng. Lớp có một em thiểu năng trí tuệ nên 16 tuổi vẫn học lớp 1. Với sự kiên nhẫn và tận tâm của các thầy giáo biên phòng, sau nhiều năm em đã biết đọc, biết viết và đếm số thứ tự. Không chỉ dạy con chữ, các thầy còn uốn nắn, rèn cho các em học sinh ý thức kỷ luật, yêu quý và bảo vệ thiên nhiên. Đời sống khó khăn nên ít người cho con vào đất liền học chữ, nhưng nhờ lớp học trên đảo mà trẻ em ở đây đã có thêm kiến thức.

Không chỉ là nhiệm vụ, những thầy giáo quân hàm xanh tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc “gõ đầu trẻ” ở nơi hoàn cảnh khó khăn cần những tấm lòng chia sẻ. Bởi nếu không có lớp học tình thương này thì lũ trẻ con theo cha mẹ mưu sinh trên đảo sẽ không có cơ hội được đi học. Có nhiều em học xong lớp 5 nhưng gia đình không có điều kiện đưa con vào bờ học tiếp, vậy là lớp học tình thương có thêm lớp 6. Trong suốt thời gian lớp học tình thương hoạt động, các thầy giáo đã động viên cha mẹ đưa được nhiều em học sinh vào bờ tiếp tục học các lớp cao hơn, vì thế đã góp phần lan tỏa phong trào “Nâng bước em đến trường” ở hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió.

Tiếp sức đến trường

Lớp học tình thương được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau và Quỹ Thiện tâm nên đã có phòng học tương đối kiên cố từ năm 2016. Được sự đùm bọc, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, các em được tặng sách bút và những món quà vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, thầy và trò của lớp học tình thương trên đảo vẫn phải cùng nhau khắc phục khó khăn, thiếu thốn. Để trò yên tâm tới trường, vẫn cần lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ...

Tiếp sức các em đến trường, thời gian qua tỉnh Bình Dương cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho lớp học. Cụ thể, đầu năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động nhà hảo tâm tặng 76 bộ quần áo mới, 23 bộ dụng cụ học sinh, 230 quyền tập trắng cho lớp học tình thương. Tỉnh đoàn trao tặng mỗi em học sinh của lớp học tình thương 500.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh Đoàn, cho biết thực hiện chương trình “Vìnghĩa tình biên giới, biển đảo” và“Chiếc cặp mơ ước” của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, trong chuyến công tác đầu năm 2020, Tỉnh đoàn đã dành tặng phần học bổng cho em học sinh lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối.

Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, cho biết điều kiện ở Hòn Chuối rất khó khăn, chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các em học sinh trên đảo đến độ tuổi đi học đều được đến trường. Có được kết quả này là nhờ có lớp học tình thương của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đóng trên đảo Hòn Chuối. Hiện nay, lớp học được nhiều người biết đến và nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ.

Từ những cố gắng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối, từ năm 2014, lớp học này được công nhận là một điểm của trường Tiểu học 4 ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Và nhiều năm qua, đã có những học sinh ở đảo vào đất liền học lên cấp cao hơn. Đây chính là niềm động viên to lớn cho những người thầy mang quân hàm xanh trên hòn đảo đầy khắc nghiệt này.

Các em học sinh ở lớp học tình thương này sau khi học hết lớp 5 được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học là món quà vô giá đối với các thầy giáo mang quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối. Những thầy giáo mang quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối như thầy Trần Bình Phục, thầy Lê Hon Đa luôn hết lòng vì dân với việc làm cao đẹp, qua đó góp phần gắn kết hơn nữa tình quân dân trên đảo, giúp họ yên tâm bám đảo, bám biển để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hòn Chuối xa dần, nhưng hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ; những người thầy với tấm lòng cao cả và ánh mắt trong veo của các em nhỏ ở lớp học tình thương cứ theo tôi mãi. Những mầm xanh của đảo đang lớn từng ngày từ nội lực vươn lên và từ sự tận tâm của những cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.

 Hòn Chuối - Tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc

Đảo Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Đây là 1 trong 5 đảo của Đề án xây dựng đảo Thanh niên (giai đoạn 2013-2020) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, trên đảo có 1 tổ nhân dân tự quản với gần 50 hộ dân và hơn 130 nhân khẩu. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt, đi lại của quân và dân trên đảo còn rất nhiều khó khăn. Đảo Hòn Chuối chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia, chỉ có một lớp học tình thương do cán bộ biên phòng quản lý. Trên đảo có các đơn vị đứng chân, như Trạm Ra đa 615 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 704 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và Trạm Hải đăng thuộc Bộ Giao thông - Vận tải.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=738
Quay lên trên