Công ty Cổ phần Nông nghiệp R&D (RDCO) và Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương (BDAD) tiền thân là Công ty Cổ phần Đường Bình Dương vừa ký kết hợp tác toàn diện trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa tại trang trại của BDAD ở huyện Phú Giáo. Đây là bước hiện thực hóa chương trình “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” mà BDAD đã kiên trì thực hiện từ nhiều năm qua nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp theo chủ trương của tỉnh.
Trang trại bò sữa của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Bình Dương. Ảnh: D.CHÍ
Nuôi dưỡng theo quy trình hiện đại
Hiện đàn bò sữa tại trang trại của BDAD (xã An Thái, huyện Phú Giáo) có 640 con, được chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy trình công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu. Quy trình này đã được các chuyên gia nông nghiệp điều chỉnh, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với thời tiết, khí hậu và điều kiện thực tế của nông thôn nước ta.
Bà Bùi Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BDAD cho biết, về tổng thể điều kiện thời tiết, khí hậu ở châu Âu hoàn toàn khác với ở nông thôn Việt Nam nên không thể rập khuôn toàn bộ quy trình, mà phải có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế. Ở châu Âu, người dân làm chuồng bò rất sang, bằng vật liệu đắt tiền nhưng nhìn chung chỉ vì mục đích giữ cho con bò được mát mẻ, vệ sinh. Như vậy, chúng ta có thể điều chỉnh chuồng trại nuôi bằng các loại vật liệu tại chỗ, vừa phù hợp với điều kiện nông thôn vừa tiết giảm được chi phí. Điều quan trọng ở khâu chuồng trại là bảo đảm bò nuôi không bị sốc nhiệt khi có biến đổi khí hậu và bảo đảm vệ sinh trong quá trình chăn nuôi.
Theo ông Lê Hữu Thạch, Giám đốc dự án của BDAD, con bò nói chung và bò sữa nói riêng đều rất hiền lành và tự chủ. Isarel là đất nước bán sa mạc, tỷ lệ đồng cỏ rất thấp, nước sử dụng cho chăn nuôi cũng rất ít nhưng sản lượng và chất lượng sữa ở đây rất cao. Có được điều này là nhờ họ ứng dụng công nghệ cao vào trong quản lý, chăn nuôi. Mô hình trên được BDAD áp dụng trong việc xây dựng chuồng trại bảo đảm thoáng khí, vệ sinh. Theo đó, mỗi con bò tự chọn cho mình một ô quen thuộc, khi đói sẽ đến đó ăn, nằm nghỉ nên không thể xảy ra giành ăn gây thương tích, ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn; mỗi chú bò đều có gắn “chíp” theo dõi thân nhiệt, sản lượng, chất lượng sữa nên khi vào ô quen thuộc “chíp” sẽ truyền thông tin về bộ phận quản lý... Từ đó, Ban quản lý trang trại nắm bắt, kiểm soát tốt sức khỏe, chất lượng, sản lượng sữa của từng con một. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ thú y sẽ đến kiểm tra thực tế và cách ly ngay khỏi đàn để theo dõi, xử lý phù hợp. Đây chính là điều khác biệt giữa chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với chăn nuôi bình thường trước đây.
Hợp tác cùng phát triển
Nói về thị trường sữa cũng như công việc chăn nuôi bò sữa hiện nay, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc BDAD cho biết, hiện tỷ lệ sữa tươi đưa vào chế biến không không nhiều so với nhu cầu thị trường, nên các công ty sữa phải dùng sữa khô, sữa bột nhập khẩu, vì vậy đầu ra của sữa tươi hiện nay rất tốt. Tuy vậy, hiện nông dân nuôi bò sữa chưa khá lên được vì chúng ta chưa kiểm soát tốt chất lượng, sản lượng sữa.
Ông Châu Minh Chinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần RDCO khẳng định, chăn nuôi, trồng trọt là thế mạnh của công ty và BDAD, nên RDCO chọn nuôi con gì mà ít ai nuôi, trồng cái gì mà ít ai trồng. Việc hợp tác toàn diện giữa RDCO và BDAD là để hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai dự án nhằm phát huy lợi thế của mỗi bên, hướng đến chất lượng sữa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, an toàn cho người tiêu dùng, thông qua quy trình chăn nuôi khoa học, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến GlobalGAP.
DUY CHÍ