(BDO) Sáng nay (7-9), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2005-2010. Đề án nhằm xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc học tập và tham gia tích cực xây dựng xã hội học tập.
Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập đã đạt được những thành tựu khá cơ bản, mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng phát triển nhanh, cả nước huy động được trên 383.650 người học các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Tuy nhiên, trong 10 mục tiêu đề ra, chỉ có 2 mục tiêu đạt kế hoạch, đó là: trên 90% các quận, huyện, thị xã có trung tâm giáo dục thường xuyên; trên 80% xã, phường, thị trấn thành lập được trung tâm học tập cộng đồng.
Từ những hạn chế trên, đại diện các bộ, các vụ, lãnh đạo các tỉnh và Sở GD-ĐT các tỉnh thành đã kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy định cụ thể về biên chế chính thức, chế độ chính sách cho cán bộ - giáo viên công tác tại trung tâm học tập; hướng dẫn sử dụng kinh phí hoạt động của các trung tâm hợp lý, đúng luật… để phong trào xây dựng xã hội học tập phát triển càng bền vững.
*Thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, tính đến cuối năm 2011, Bình Dương có 91 trung tâm học tập cộng đồng/91 xã phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 100%. Hoạt động của các trung tâm được nâng lên cả lượng và chất và ngày càng đa dạng, phong phú, tập trung trên nhiều lĩnh vực như: chính trị- thời sự, tìm hiểu pháp luật, kỹ thuật nông nghiệp, vệ sinh phòng bệnh, nghề truyền thống, tin học- ngoại ngữ, thể dục- thể thao…
A.Sáng