Ngày trước, được chị dâu hứa cho phần đất diện tích hơn 200m2, chị Phạm Ngọc Đ. khấp khởi vui mừng trong bụng. Chị cứ đinh ninh phần đất đó là của mình, đến khi chị cần lấy số tài sản trên thì người chị này đổi ý… không cho nữa!
Trước đây, mẹ ruột của bà Đ. có khai phá sử dụng diện tích đất khoảng 10.000m2. Bà có 2 người con gái và 1 người con trai. Sau khi mẹ và anh trai mất, gia đình thấy chị dâu là bà Nguyễn Thanh Y. là người lớn tuổi, đàng hoàng nên hai người con gái đồng ý ủy quyền cho bà Y. đứng tên quyền sử dụng đất. Bà Y. đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình. Người con gái út đã xây dựng nhà và sinh sống trên mảnh đất kia từ khi lập gia đình nên không có ý kiến gì. Còn bà Đ. lấy chồng xa nên bà Y. đồng ý cho bà Đ. một phần đất diện tích đất hơn 200m 2. Hai bên có lập một giấy thỏa thuận và đồng ý giao đất sau 1 tháng kể từ ngày lập giấy thỏa thuận.
Trong giấy thỏa thuận có chữ ký, lăn tay của bà Y. và người được tặng cho là bà Đ. Sau khi hai bên lập giấy thỏa thuận thì bà Đ. nhiều lần nhắc nhở bà Y. và yêu cầu bà Y. thực hiện cam kết nhưng bà Y không thực hiện. Việc hai bên lập giấy thỏa thuận không có công chứng, chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không xác định vị trí đất. Nay, bà Đ. khởi kiện yêu cầu bà Y. tiếp tục thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất theo giấy thỏa thuận đã cam kết.
Phía bà Y. hoàn toàn thống nhất về nguồn gốc đất do mẹ chồng khai phá, sử dụng. Tuy nhiên, lúc mẹ chồng còn sống thì bà có bán 5.000m 2 đất để lấy tiền cho bà Đ., em gái út và dùng tiền cất nhà. Diện tích đất còn lại để mẹ chồng và gia đình bà ở. Năm 2008, bà Đ. có yêu cầu khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế. Bà Y. có chấp nhận cho 2 người em chồng này mỗi người 200 triệu đồng, không phải chia tài sản thừa kế. Bà Đ. cũng đồng ý và đã nhận đủ tiền. Đồng thời, có lập giấy thỏa thuận tặng cho quyền sử dụng đất có nội dung bà Y. đồng ý cho bà Đ. một phần diện tích đất như trên. Bà Y. xác định hiện nay diện tích đất của bà Y. không còn nhiều nên không đồng ý cho bà Đ. nữa.
Tại buổi hòa giải, bà Y. đồng ý cho bà Đ. thêm 100 triệu đồng nhưng bà Đ. không đồng ý nhận nên bà Y. không cho nữa. Bây giờ bà Đ. khởi kiện yêu cầu bà tiếp tục thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất thì bà không đồng ý.
Tại phiên xử, Hội đồng xét xử xét thấy nội dung giấy thỏa thuận có thỏa thuận riêng với nhau nội dung: “…ngoài số tiền 200 triệu đồng hỗ trợ theo như thỏa thuận giữa 3 bên, bà Y. đồng ý tặng cho bà Đ. một phần đất có diện tích tại vị trí mà các bên có thỏa thuận trước. Việc tặng cho riêng này được thực hiện trong vòng 1 tháng kể từ ngày ký thỏa thuận về những nội dung này. Các bên đã thỏa thuận và đồng ý ký tên”. Tuy nhiên, trong giấy thỏa thuận lại không xác định cụ thể vị trí tứ cận phần đất tặng cho, nội dung không phù hợp và không được công chứng, chứng thực, chưa được đăng ký tại Văn phòng Đăng ký đất đai nên chưa phát sinh hiệu lực theo quy định. Mặt khác, thời hạn thỏa thuận giao dịch là 1 tháng, nhưng khi bà Đ. khởi kiện thì vụ việc đã hơn 5 năm. Phần đất này đã được bà Y. tách thửa cho các con và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chúng. Bà Đ. không quản lý, sử dụng đất và cũng không có tài sản nào trên đất. Xét thấy nội dung và hình thức tặng cho đất không phù hợp quy định của pháp luật như đã nêu trên. Do vậy, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Tòa án cấp sơ thẩm xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ. và tuyên bố giấy thỏa thuận tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu là có căn cứ, đúng pháp luật.
Bà Đ. kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo là có căn cứ. Vì thế Hội đồng xét xử đã không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Đ. và ghi nhận sự tự nguyện của bà Y. hỗ trợ cho bà Đ. số tiền 100 triệu đồng. Bà Đ. có muốn nhận hay không là quyền quyết định của bà…!
THỦY TRINH