Để thu lợi bất chính, một số đối tượng gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo trúng thưởng rồi yêu cầu người dân gửi tiền để nhận quà. Khi người dân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng thì kẻ gian nhanh chóng rút tiền và cắt đứt liên lạc. Mặc dù thủ đoạn trên không mới nhưng vẫn có một số người dân “sập bẫy” với số tiền bị chiếm đoạt khá lớn.
Tin vào tin nhắn trúng thưởng trên mạng xã hội mà một số người đã bị kẻ gian chiếm đoạt tiền
Với thủ đoạn trên, anh Ngô Văn T. (quê tỉnh An Giang) đã bị kẻ gian chiếm đoạt hơn 48 triệu đồng. Trước đó vào ngày 1-6, anh T. đến đồn Công an KCN Việt Nam - Singapore (TX.Thuận An) trình báo về việc bị lừa đảo tài sản qua Facebook.
Theo trình báo, anh T. nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung anh đã trúng giải nhất chương trình tri ân khách hàng với phần thưởng là 1 xe máy SH và một thẻ quà tặng trị giá 200 triệu đồng, kèm theo số điện thoại chăm sóc khách hàng: 089200… và đường link: monqua29.com. Sau đó, anh T. gọi vào số điện thoại trên thì có người bắt máy và nhận là “nhân viên chăm sóc khách hàng” nói anh T. đã trúng giải nhất. Để kiểm tra thông tin, anh T. vào trang monqua29.com thì thấy thông tin có 2 người trúng giải nhì và giải ba của chương trình. Anh T. gọi điện thoại cho người trúng giải nhì thì được người đó xác nhận là có trúng giải và đã lãnh thưởng.
Sau cuộc gọi này, anh T. càng tin tưởng mình đã trúng thưởng. Tiếp theo, một người tự xưng là “nhân viên” của Facebook gọi điện cho anh T. với nội dung đã tiếp nhận hồ sơ trúng thưởng của anh T. và yêu cầu nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để làm thủ tục lãnh thưởng. Sau đó, anh T. đã 3 lần đến một ngân hàng ở KCN Việt Nam - Singapore chuyển hơn 48 triệu đồng. Sau đó, “nhân viên chăm sóc khách hàng” gọi điện cho anh T. thông báo 5 ngày sau sẽ chuyển quà cho anh. Sau 5 ngày không thấy quà, anh T. gọi cho các số liên lạc trước đó thì đều không liên lạc được.
Cùng với thủ đoạn trên, một số đối tượng còn giả danh cán bộ công an để “hù dọa” một số người dân, nhất là phụ nữ và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để “xác minh” rồi chiếm đoạt. Đây là thủ đoạn không mới và được cơ quan chức năng khuyến cáo nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn có người “sập bẫy”. Như trường hợp của chị Th.K.Ph. (ngụ phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) bị chiếm đoạt hơn 780 triệu đồng. Trước đó, chị Ph. nhận được một cuộc gọi với nội dung chị có một bưu phẩm chưa nhận, bên trong có 25 thẻ tín dụng bất hợp pháp. Người gửi đã bị công an bắt và khai thêm hai người nữa làm việc tại ngân hàng, nhân viên hứa giúp chị Ph. trình báo cho công an. Sau đó, người này chuyển máy cho một người tự xưng là “Đại úy” Phạm Văn Dân, “điều tra viên” của Bộ Công an. Qua trao đổi, “Đại úy” Dân “hù” chị Ph. có liên quan đến đường dây buôn ma túy, rửa tiền nên yêu cầu chị Ph. phối hợp điều tra làm rõ. Sau khi hỏi thông tin cá nhân và tài sản hiện có trong ngân hàng của chị Ph., “Đại úy” Dân nói đã chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng và chuyển máy cho Nguyễn Thị Thủy Tiên, tự xưng là “Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao”. Vị này tiếp lời của Dân và yêu cầu chị Ph. ra ngân hàng gửi tiền để “xác minh” nguồn gốc tài sản của chị. Thấy chị Ph. không gửi tiền, “sếp” Tiên gọi điện “hù” sẽ “đóng băng” tài khoản ngân hàng và cho người tới áp giải. Quá hoảng sợ, chị Ph. đã 2 lần chuyển hơn 780 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của một người tên Hòa (quê tỉnh Lạng Sơn). Hôm sau, chị Ph. nghi ngờ nên xuống địa chỉ nơi “Đại úy” Dân làm việc thì mới biết mình bị lừa.
Ngoài thủ đoạn trên, cơ quan chức năng cảnh cáo thông qua mạng xã hội, một số đối tượng là người nước ngoài hoặc giả danh người nước ngoài tìm cách tiếp cận và làm quen với các nữ công nhân có vốn ngoại ngữ. Sau khi tạo được lòng tin, những đối tượng này hứa hẹn sẽ tặng quà có giá trị cho “bạn gái”. Tuy nhiên, những món quà này đều bị “hải quan” giữ lại và yêu cầu phải đóng phí để được nhận quà. Khi các cô gái chuyển tiền qua thì những đối tượng lập tức rút tiền và cắt đứt liên lạc với “bạn gái”.
NGUYỄN HẬU