Sáng 23-7, TAND tỉnh Bắc Giang ra phán quyết cuối cùng với Lý Nguyễn Chung sát hại hàng xóm ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Tòa nhận định, hành vi xâm phạm tính mạng con người, tài sản của bị cáo gây bất bình cho xã hội. Vì muốn có tiền Chung đã bất chấp gây án. Cáo trạng truy tố là có căn cứ.
Lý Nguyễn Chung trả lời thẩm vấn tại toà.
Tuy nhiên, xét nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, hung thủ chưa đến tuổi thành niên khi phạm tội, Toà bác bỏ đề nghị trả hồ sơ của luật sư bên bị hại và tuyên Lý Nguyễn Chung 12 năm tù.
Dù vậy, Toà kiến nghị làm rõ thêm một số tình tiết như dấu vân tay trên vỏ chai bia Chung khai dùng để tấn công chị Hoan… Đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Thu Hà nêu ra các mâu thuẫn cũng cần điều tra để tránh oan sai.
Toà nhận thấy có đủ cơ sở để xác định, tối 15-8-2003, Lý Nguyễn Chung mang dao đến quán nhà chị Nguyễn Thị Hoan và nảy sinh ý định cướp tài sản. Sát hại nạn nhân, Chung lấy 59.000 đồng và hai chiếc nhẫn. Trên đường về, Chung vứt con dao gây án và giấu tài sản ở bức tường một nhà hàng xóm.
Chung thay quần áo dính máu, ngâm vào chậu nước, rồi tắm rửa, đi ăn uống. Sớm hôm sau, Chung thừa nhận với bố đẻ là Lý Văn Chúc đã sát hại chị Hoan rồi trốn lên Lạng Sơn, kể lại chuyện cho chị gái và anh trai biết. Sau đó, Chung chạy vào Đắk Lắk.
Lời khai tại toà và các bản tự khai tại cơ quan điều tra đã được ông Chúc, bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế) cùng hai anh chị của Chung xác nhận. Lời khai còn phù hợp với dấu chân của bị cáo để lại trên hiện trường.
Trước đó, chiều 22-7, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại đề nghị tuyên trả hồ sơ để làm rõ các tình tiết chưa có giải đáp xác đáng. Theo vị này, cần làm rõ đường đi của hai chiếc nhẫn từ lúc rời khỏi người nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.
Việc anh Nguyễn Văn Sứt, em trai nạn nhân khai, trong quá trình thu thập chứng cứ, cơ quan công an thu hai viên gạch, lưu lại dấu chân hung thủ nhưng không đưa vào vụ án. Đến nay, vật chứng này lại được đưa ra để quy kết bị cáo thì cần phải xem lại.
Chung đi đâu, ở đâu trong thời gian một năm (2003-2004) cũng là điểm mấu chốt để xác minh lời khai của "nhân chứng" Nguyễn Thị Thu Hà rằng được người phụ nữ tên Chỉnh ở thôn Me cho biết thanh niên này không hề vào Đắk Lắk. Vết tay trên cửa hậu là của ai? Vết thương ở cổ, gáy, ngực của nạn nhân được gây ra như thế nào?
Đáp lại, Viện Kiểm sát cho biết vết máu ở cửa hậu đã thể hiện trong biên bản khám nghiệm bổ sung hơn hai tháng sau vụ án. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an trả lời do không có dấu vết đường vân nên không xác định được vết máu này do điều gì hình thành nên.
Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm bị cáo trốn lên Lạng Sơn rồi vào Đắk Lắk ngay sau khi gây án. "Chúng tôi không chỉ căn cứ vào lời khai của Chung mà còn từ các nhân chứng là bố mẹ Chung và người đàn ông trong Đắk Lắk", đại diện Viện Kiểm sát nói.
Chi tiết về hai chiếc nhẫn, cơ quan công tố nhắc lại căn cứ lời khai của anh chị ruột Chung và người chị dâu. Việc trưng cầu giám định khoa học về dấu bàn chân, Viện Kiểm sát cho rằng không cần thiết, khi Viện Khoa học hình sự khẳng định đó là bàn chân trái của Chung.
Về cơ chế hình thành vết thương trên người chị Hoan, Viện Kiểm sát trình bày khi gây án, Chung ở tư thế có thể tạo ra nhiều vết thương chí mạng cho nạn nhân. "Vụ án trên do một mình Lý Nguyễn Chung gây ra, không có đồng phạm", đại diện Viện Kiểm sát tái khẳng định.
Nói lời sau cùng, Chung xin lỗi gia đình bị hại, đồng thời mong hội đồng xét xử xem xét giảm án cho bị cáo.
Theo VNE