Với ngành giáo dục- đào tạo (GD-ĐT), tháng 11 có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là tháng tri ân thầy cô. Bày tỏ lòng biết ơn với người thầy, học sinh (HS) các nơi tích cực thi đua học tập tốt, đạt nhiều hoa điểm 10 dâng lên thầy cô. Còn thầy cô cũng thể hiện sự tận tâm, tận tụy, hết lòng vì đàn em thân yêu qua từng tiết dạy.
Trong tháng 11 này, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận thấy khí thế thi đua học tập sôi nổi trong HS. Với các em, học tập tốt để thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, nhất là thể hiện lòng tri ân với người thầy chèo lái con đò tri thức đưa các em đến với bến bờ vinh quang. Với HS trường THCS Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), những ngày này HS các lớp đang tập hợp điểm 9, điểm 10 để làm tập san “hoa điểm 10” dành tặng thầy cô. Từ phong trào này, HS càng thêm tích cực thi đua nhau học tập để đạt được nhiều điểm cao. Cũng với hình thức tri ân thầy cô, Câu lạc bộ tiếng Anh HS khối 8 và 9 đang tập dượt các tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong ngày kỷ niệm 20-11. Các em biểu diễn các tiết mục kịch với những lời thoại hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các HS lớp 8A1 chia sẻ, qua sinh hoạt câu lạc bộ các em có dịp rèn luyện tiếng Anh. Và với những chương trình các em đang chuẩn bị như để minh chứng cho năng lực học tập, cũng là thông điệp gửi lời tri ân thầy cô về những thành quả các em đã đạt được.
HS trong Câu lạc bộ tiếng Anh trường THCS Phú Cường tập diễn kịch, chuẩn bị cho ngày tri ân thầy cô
Người Việt Nam có truyền thống hiếu học, truyền thống này tiếp tục được phát huy theo năm tháng. Với các HS tiểu học, ngay khi vừa bước chân vào trường các em đã được giáo dục truyền thống “tôn sư, trọng đạo”. Và dù tuổi nhỏ nhưng các em cũng đã biết thể hiện sự đền đáp công ơn người thầy qua từng nét chữ đẹp, từng bài làm tốt. Còn với HS THPT, kết quả học tập của các em sẽ thay cho lời cảm ơn những người thầy đã dạy dỗ các em nên người. Tại trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên), ngoài phát động phong trào “hoa điểm 10”, HS các lớp còn thành lập đôi bạn học tập, nhóm học tập để cùng truy bài lẫn nhau; thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh để cùng chia sẻ nhau kinh nghiệm trong học tập và tạo môi trường rèn luyện ngoại ngữ này được tốt hơn.
Với người thầy, thể hiện trách nhiệm với đàn em thân yêu, thầy cô đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy nhằm đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục. Cô Nguyễn Thị Hồng Vương, giáo viên trường THPT Phan Bội Châu (Dầu Tiếng), tâm sự: “HS ngày nay rất năng động, nếu người thầy không đổi mới sẽ bị lỗi thời. Với bản thân, tôi luôn cố gắng tìm cách dạy mới lạ hơn nhằm kích thích HS học tập”. Giúp HS yêu thích môn địa lý, cô Vương áp dụng phương pháp dạy học theo dự án. Từng nhóm HS cùng nhau nghiên cứu soạn bài ở nhà, sau đó các em trình bày trước lớp để các bạn nhận xét. Với hình thức học tập này, tất cả HS đều hoạt động và các em tỏ ra hứng thú khi chủ động trong học tập.
Đối với giáo viên trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, năm học này thầy cô tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, đặc biệt là thực hiện nhiều tiết dạy trên bảng tương tác thông minh. Riêng với giáo viên lớp 12, các tổ bộ môn thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, triển khai thực hiện các chuyên đề do Sở GD-ĐT tổ chức trước đây, nhằm giúp HS đạt kết quả tốt nhất ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Mỗi trường một cách làm khác nhau, song tất cả cùng thể hiện cái tâm của người thầy đối với học trò. Với trường THCS Phú Cường, theo cô Nguyễn Thị Dung, Phó Hiệu trưởng, thực hiện “tiết dạy tốt”, trong tháng 10 giáo viên tổ toán đã thực hiện, tháng 11 này giáo viên tổ văn cũng chọn cử giáo viên thực hiện tiết dạy hay cho toàn hội đồng sư phạm nhà trường tham dự.
“Để thể hiện sự tôn vinh, tri ân đối với người thầy, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường phát động đợt thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam với các trong trào: Dạy tốt - học tốt; hội thi văn nghệ, thể thao, viết báo tường; tổ chức làm vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh... gắn với khẩu hiệu hành động của ngành trong từng đơn vị, trường học dưới các hình thức phong phú và phù hợp”.
(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)
H.THÁI