Huyện Bắc Tân Uyên: Chú trọng chuyển đổi số trong sản xuất sản phẩm đặc trưng

Cập nhật: 06-02-2023 | 09:22:43

Chuyển đổi số (CĐS) để tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP ( Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là xu thế tất yếu của nền sản xuất 4.0, góp phần đưa sản phẩm có chất lượng đến tay người tay người tiêu dùng. Những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên đã nỗ lực thúc đẩy CĐS, chú trọng khâu truyền thông về sản phẩm OCOP để người tiêu dùng biết, hiểu đúng và tin cậy.

 Chuyển đổi số sản phẩm OCOP sẽ giúp nhiều khách hàng tiếp cận sản phẩm an toàn, chất lượng. Trong ảnh: Sản xuất cam sành (sản phẩm đạt OCOP 3 sao) của HTX Hùng Thuận (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên)

 Quảng bá rộng rãi

Cam, bưởi, quýt Bắc Tân Uyên là đặc sản địa phương, niềm tự hào của người dân huyện Bắc Tân Uyên. Niềm tự hào đó được chính quyền, người nông dân gửi gắm vào ước mong đưa sản phẩm đặc trưng lan tỏa rộng rãi trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả thị trường nước ngoài. Và con đường để tiếp cận nguồn khách hàng không giới hạn chính là CĐS, đặc biệt là sản phẩm OCOP.

Trong năm 2022, huyện Bắc Tân Uyên có 32 sản phẩm tham dự chương trình OCOP của tỉnh bao gồm cam, bưởi, quýt, dưa lưới, muối tiêu, tinh bột nghệ, cà phê rang xay, chả lụa, rượu bưởi. Niềm tự hào của người nông dân nơi đây đã đạt được kết quả xứng đáng khi nhiều đặc sản cây ăn trái có múi của các đơn vị tham gia được xếp hạng và công nhận. Điển hình như cam sành của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Năm Hạng (xã Lạc An) đạt 4 sao; bưởi đường lá cam và dưa lưới đến từ HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ) đạt 3 sao; bưởi da xanh của HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân) đạt 3 sao; bưởi da xanh HTX Dân Tiến (xã Tân Định) đạt 3 sao; cam sành HTX Hùng Thuận (xã Tân Định) đạt 3 sao… Bên cạnh đó còn có những sản phẩm OCOP đến từ các trang trại ở xã Hiếu Liêm như cam sành của trang trại Lâm Thành Thanh; cam sành, bưởi da xanh trang trại Việt Thái; bưởi da xanh, quýt đường trang trại Đồi Xanh...

“Để giúp người nông dân tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, huyện phối hợp với bưu điện, chi nhánh Viettel hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần đưa thương hiệu đặc sản địa phương “bay xa”, ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, cho biết.

Chia sẻ về lợi ích của việc CĐS trong sản xuất sản phẩm OCOP, ông Lâm Thành Thanh, chủ trang trại Lâm Thành Thanh, cho biết: “Trang trại có gần 60 ha cây ăn trái, trong đó có 5 ha cam sành tham gia chương trình OCOP và đạt 3 sao. Việc sản phẩm đạt OCOP đã giúp trang trại nâng cao uy tín, khẳng định chất lượng khiến khách hàng tin tưởng hơn. Hy vọng các chủ thể sản phẩm OCOP trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ cụ thể về đầu vào, đầu ra và nguồn vốn ưu đãi để duy trì, nâng hạng sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Cơ, thành viên HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân), chia sẻ: “Hiệu quả của CĐS trong tiêu thụ nông sản thể hiện rõ nhất vào thời điểm dịch bệnh. Trước đó, nông dân chúng tôi chỉ chờ đợi thương lái đến thu mua. Dịch bệnh làm tắc nghẽn giao thương, thành viên HTX đã chủ động đăng bán sản phẩm qua các kênh Zalo, Facebook, từ đó tiếp cận được nguồn khách hàng mới, giải quyết được nguồn hàng bị tồn đọng”.

Để thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP, thời gian tới huyện Bắc Tân Uyên chú trọng đưa các sản phẩm đã được chứng nhận lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có sản phẩm tiêu biểu phù hợp để hướng tới đạt chứng nhận OCOP. Đặc biệt phổ cập, đào tạo, hướng dẫn sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể..

Triển khai nhiều giải pháp

Thực tế cho thấy, CĐS thành công thông qua sàn thương mại điện tử sẽ giúp người nông dân tiếp cận nguồn khách hàng rộng lớn hơn, tránh được tình trạng “phụ thuộc” vào đối tượng khách hành nhất định. Song để đặc sản địa phương đưa được lên sàn thương mại điện tử không phải là điều dễ dàng. Phần lớn nhận thức doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực, thiếu hiều biết về công nghệ thông tin, về kỹ năng xây dựng, quảng bá hình ảnh sản phẩm...

Ông Nguyễn Huỳnh Thanh, Phó Giám đốc HTX Hùng Thuận (xã Tân Định), cho biết: “Sản phẩm cam sành của thành viên được sản xuất theo phương pháp hữu cơ và đạt OCOP 3 sao. HTX tham gia các kênh Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện nay kênh tiêu thụ chính vẫn là thương lái. Nếu áp dụng công nghệ sẽ có thị trường tiêu thụ rộng hơn, ổn định, tuy nhiên nhiều thành viên HTX gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, chi phí đầu tư, thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ am hiểu về công nghệ số”.

Theo ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, quá trình CĐS trong chương trình OCOP được huyện gắn với quá trình CĐS trong xây dựng nông thôn mới, sự đồng hành của các đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin. Nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch CĐS sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

 Trong hoạt động CĐS thúc đẩy sản phẩm OCOP huyện Bắc Tân Uyên chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm; hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp. CĐS trong chương trình OCOP gắn với quá trình CĐS trong xây dựng nông thôn mới, gắn với sự đồng hành của các đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin...

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1352
Quay lên trên