Huyện Bắc Tân Uyên: Duy trì tăng trưởng, tạo đà vươn tới

Cập nhật: 09-02-2022 | 08:22:03

Năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực, nhiều lĩnh vực kinh tế của huyện Bắc Tân Uyên có bước tăng trưởng khá, góp phần tạo đà phát triển cho nền kinh tế địa phương trong năm 2022 và những năm kế tiếp.

 Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2022, huyện Bắc Tân Uyên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Hong Yi Furniture, Khu công nghiệp Tân Bình

 Thành quả

Đầu năm 2022, có dịp về lại huyện Bắc Tân Uyên, dừng chân trên đường ĐT746 - điểm đầu tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đã nhận thấy sự thay đổi của địa phương. Tuyến đường đã được trải nhựa khang trang, hiện đại, bộ mặt đô thị huyện cũng như làng quê ngày càng đổi mới với hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng, hạ tầng đô thị được đầu tư, chỉnh trang... Điểm nhấn của huyện trong năm 2021 chính là hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng xã hội tiếp tục được tập trung đầu tư để phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Đón chào xuân mới, một số công trình trọng điểm trên địa bàn đã và đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện đạt những kết quả khả quan, chất lượng thực hiện tiêu chí NTM ở các địa phương ngày càng được nâng cao. Theo ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, sự hỗ trợ của các ban, ngành xã Hiếu Liêm thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp của xã luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định, năng suất các loại cây trồng vật nuôi được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ...

Thành quả đáng ghi nhận nữa chính là sự nỗ lực khôi phục hoạt động thương mại - dịch vụ (TM-DV). So với các lĩnh vực kinh tế khác, giá trị ngành TM-DV bị giảm sút mạnh, đặc biệt là trong quý III-2021 bởi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Nhưng bằng các giải pháp tăng tốc đúng thời điểm, thúc đẩy hoạt động trong 3 tháng cuối năm, kết quả năm 2021 giá trị TM-DV đã tăng 12,54% so với năm 2020.

Nỗ lực vượt khó thành công, năm 2021 giá trị sản xuất trên từng lĩnh vực kinh tế của huyện đều duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Theo đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp thực hiện được hơn 2.600 tỷ đồng, tăng 3,94% so với năm 2020, đạt 100,23%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 10,28%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hơn 4.100 tỷ đồng, tăng 12,54%. Theo ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, để đạt được kết quả trên, một phần ngay từ đầu năm, huyện đã kịp thời ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đưa ra các giải pháp kịp thời, đúng đắn. Bên cạnh là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân.

Linh hoạt để phát triển

Nhìn lại năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn huyện. Song với tinh thần biến thách thức thành hành động, toàn huyện đã quyết tâm thực hiện các biện pháp linh hoạt, thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, giá vật tư tăng cao, vận chuyển hàng hóa trở ngại dẫn đến tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn... Tuy nhiên, người nông dân vẫn nỗ lực vượt khó tiếp tục duy trì sản xuất, chủ động điều chỉnh mùa vụ và sản lượng phù hợp để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Ông Lê Hữu Đức, quản lý trang trại cây ăn trái có múi (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm), cho biết: “Do tình hình dịch bệnh khó khăn, trang trại tập trung làm rải vụ, cây cho năng suất bao nhiêu thu hoạch bấy nhiêu, không tập trung sản lượng nhiều vào thời điểm mùa vụ như mọi năm để tránh cung vượt quá cầu”.

Ngoài ra, trước tình hình thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, nông dân tập trung nhắm đối tượng khách hàng tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh trong khu vực, tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn như hỗ trợ nông sản lên sàn thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm...

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp linh hoạt các biện pháp duy trì, khôi phục sản xuất theo từng thời điểm. Bà Nguyễn Xuân Hương, trợ lý giám đốc Công ty TNHH Hong Yi Furniture, Khu công nghiệp Tân Bình, chia sẻ: “Trước khó khăn trong dịch bệnh, công ty áp dụng từ mô hình “3 tại chỗ” đến “3 xanh”. Đồng thời động viên lao động tăng ca, tuyển dụng lao động qua nhiều kênh... để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm đơn hàng”.

Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết để giữ vững đà phát triển kinh tế, huyện ban hành các văn bản thực hiện những biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp như tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa, giữ chân, ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, đón người lao động trở lại làm việc...

Nhận diện rõ những tồn tại trong năm cũ, huyện Bắc Tân Uyên đã đề ra các giải pháp hợp lý cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022. Trong đó, tiếp tục lấy công tác phòng, chống dịch bệnh là cơ bản, lâu dài. Song song đó, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022.

 Năm 2022, huyện Bắc Tân Uyên phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng từ 3,7 - 4,7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 11,5- 13,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 14 - 16%; tổng thu ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng...

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên