Ngày 13-7, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Dầu Tiếng tổ chức tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/ NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được dịch vụ tín dụng Nhà nước; góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và là đòn bẩy kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dầu Tiếng thực hiện giao dịch lưu động tại điểm giao dịch xã
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng là đơn vị trực thuộc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Dương, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15-12- 2003. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; tham mưu chính quyền địa phương trong công tác nguồn vốn ủy thác địa phương và quản lý nợ vay. Với bộ máy gọn nhẹ, để hoàn thành nhiệm vụ, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng đã chọn phương thức quản lý phù hợp là ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình tín dụng cho các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng, cho biết nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thời gian qua đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, được bảo toàn và không ngừng phát triển. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (hộ nghèo, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã và đang triển khai thực hiện 13 chương trình. Dư nợ cho vay đến ngày 31-5 đạt 511,756 tỷ đồng, tăng 508,121 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31-12-2003, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm là 25,588 tỷ đồng, với 12.507 khách hàng vay còn dư nợ, tương đương 36% tổng số hộ dân toàn huyện. Cụ thể các chương trình cho vay như sau: Hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất…
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện gần 20 năm qua đã giải ngân cho gần 47.778 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, tạo việc làm cho trên 15.145 lao động, đã giúp trên 5.258 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 41.902 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 72 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách. Đặc biệt, chương trình đã hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất sau thời gian dài phải ngừng sản xuất để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, qua đó góp phần quan trọng hỗ trợ các địa phương đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, như: Việc làm, giáo dục và đào tạo, môi trường và an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư. Đến nay, 100% xã của huyện Dầu Tiếng đã đạt nông thôn mới và 8/11 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Ông Trần Đăng Khoa cho biết thêm, hiện nay Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng đang tập trung đẩy mạnh cho vay vốn chính sách tới người sử dụng lao động để trả lương lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và đẩy mạnh cho vay phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của những người làm tín dụng chính sách trong 20 năm qua về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
TƯỜNG VY