UBND huyện Dầu Tiếng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT). Từ đó, hạ tầng GTNT ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Công trình giao thông khu dân cư khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2020
Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, huyện Dầu Tiếng đã thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Với việc nâng cấp tuyến đường ĐT744, thực hiện dự án đường dẫn, cầu nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh tại khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng đã tạo thuận lợi giao thương, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển của huyện.
Huyện đã huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường trục chính, thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường huyện, liên xã, liên ấp và nội đồng trên địa bàn. Các xã tích cực xây dựng đường bê tông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tạo điều kiện thuận lợi để đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Kết quả, trong nhiệm kỳ qua, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho nông thôn với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình, từ nhiều nguồn lực, trong hơn 5 năm Dầu Tiếng đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa hơn 220 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 405 km; đầu tư xây dựng hơn 260 tuyến đường giao thông nông thôn, nâng tỉ lệ đường liên huyện, liên xã nhựa hóa, bê tông hóa trên địa bàn đạt trên 95%; 100% tuyến đường nông thôn do xã quản lý được cứng hóa. Trong đó có gần 40% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thành quả này có được là nhờ địa phương đã tạo sự đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, từ công tác tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới, đã huy động các nguồn lực đầu tư, tạo được sự hưởng ứng của cộng đồng xã hội tham gia tích cực. Cụ thể, huyện Dầu Tiếng đã huy động nguồn lực tổng hợp hơn 9.850 tỷ đồng, với tỷ trọng gần 26% vốn đầu tư từ ngân sách và hơn 74% nguồn vốn huy động từ bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, nhất là hoàn thiện mạng lới hạ tầng giao thông nông thôn từ huyện, xã đến tận khu ấp, ngõ xóm. Hệ thống điện toàn huyện cũng được quan tâm cải tạo, xây mới. Đến nay, mạng lưới điện đã phủ kín toàn bộ 12 xã và thị trấn, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn trên địa bàn đạt gần 100%; có trạm 110 kV thuộc Công ty Truyền tải điện 4 quản lý. Cơ bản bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất khu vực nông thôn.
Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, huyện cũng quan tâm đầu tư nâng cấp các trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Đến nay, toàn huyện có 30/46 trường được lầu hóa đạt 65,22% và 37/46 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80,43%. Hệ thống cơ sở vật chất các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được chú trọng quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và học tập tại địa phương. Trên cơ sở hạ tầng phát triển, huyện Dầu Tiếng còn tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ người dân tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập. Với việc chú trọng đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đưa các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Có thể nói, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao của tỉnh, huyện Dầu Tiếng đã và đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới. Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, tập trung đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa đường giao thông từ trục chính đến đường nhánh ở từng ấp, ngõ xóm. Tất cả đã tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế và thay đổi diện mạo nông thôn.
HỒNG NGA